Trung Học Chợ Lách

Nông thôn “trúng đất”

Ngày đăng: 29/07/2012, 12:35 chiều, ý kiến phản hồi (0)

 

Họ là bốn người bạn lối xóm, từ nhiều nơi lần lượt tựu về định cư ở cái chòm chòi đồng khỉ ho cò gáy nầy sớm nhất. Trong nhóm nầy chỉ có mình và thằng Tí là quen biết nhau trước,  thời mà hai nhà ở gần nhau tại Xóm Chùa chợ Quận và hai thằng nhóc còn học chung trong Tiểu học. Nghe thằng Tí kể lại, sau năm 75, nó được bà dì cho mười công ruộng ở Ấp nầy. Mấy năm đầu nó đi đi về về để canh tác cái tài sản lớn lao đầu đời đó. Đến khi chàng ta cưới vợ, hai vợ chồng nó về đây cất căn nhà lá trên một phần đất ruộng, kể ra cái tổ ấm tí hon nầy là của một trong những người cắm dùi lập nghiệp đầu tiên trên cánh đồng mông quạnh, bao la nắng gió.

 

         Tên thiệt thằng Tí trong khai sanh là Trần văn Tín, lớn hơn mình một tuổi, nhưng hai thằng học cùng lớp và chơi rất thân từ nhỏ nên quen miệng gọi mầy tao, tới lớn không sửa được. Nó không phải tuổi Tý, cũng không nhỏ con bé tí, nhưng mọi người nghe chú thím Hai Quí gọi thằng con trai duy nhất của họ như vậy, xóm nầy và cả bạn trong lớp Nhứt E năm 1963 gọi theo mà không hề thắc mắc. Thằng Tí  dềnh dàng lớn con, hệt hạc hiền lành  giống y chú Hai Quí. Hồi chú còn vác gạo cho chành, hai đứa lén xuống bến sông nhìn chú cõng những bao gạo chỉ xanh đúng một trăm kilô, người nhẹ nhàng vững vàng bước nhún nhảy theo nhịp chiếc đòn dài bắc xuống ghe chài. Tấm lưng trần thênh thang của chú khoác thêm chiếc khăn, đệm giữa lớp chỉ thô bao bố đang miết trên những bắp thịt vồng lên mạnh mẻ.
        Thằng Tí và mình cùng rớt Đệ Thất năm đó, nó phải nghĩ học vì không còn đủ tuổi cho khóa năm sau. Trong khi mình được may mắn mặc đồng phục đến trường Trung học thì nó phải phụ việc bán buôn với má nó. Sáng sớm nào cũng vậy, thằng Tí và thím Hai Quí, kẻ lôi người đẩy chiếc xe ba gác đầy vung đồ rẩy từ nhà đến cái sạp đóng sẳn ở góc chợ nhà lồng. Phụ tiếp má nó dọn rau cải khoai củ ra những cái thúng rổ sàng xịa để bày hàng lên mặt sạp. Xong xuôi thì đảo một vòng giao rau giá cho mấy quán cơm quán phở. Đôi khi còn phải lội bộ mấy cây số đến nhà vườn để lấy thêm rau cải, hoặc các mặt hàng đang hút khách.
        Lật bật mấy năm sau, nhờ hưởng được quyền lợi tình trạng gia cảnh là con một nên thằng Tí được đi lính ở gần nhà. Sau năm 75 thì trở về phụ giúp sạp đồ rẩy, dư thời giờ thì làm lặt vặt cho lối xóm. Thời may có bà dì lâu lắm mới ra thăm, thấy hoàn cảnh gia đình em ruột bổng không lỏng ruột. Bà dì cho thằng Tí mười công ruộng, thời gian tới lui để canh tác nên quen biết dân xóm ấp, bà dì mai mối gả đứa cháu gái của chồng. Từ một thằng tay trắng rỗi nghề, bỗng nhiên chàng Tí có người có của. Hai vợ chồng giỏi dắn đồng lòng, nên chỉ vài năm họ là những người  trồng những liếp chuối liếp dừa sớm nhất trên vùng đất trước đây chỉ có trâm bầu là sống nổi.
        Năm 1980 mình trở về tá túc với cha mẹ ở Xóm Chùa sau những ngày tháng bầm dập với cuộc đời. Mấy tháng lông bông chưa biết phải làm gì thì gặp thằng Tí rủ đi làm ruộng. Mình suy nghĩ, làm ruộng có gạo lúa cá mắm nuôi thân, hổng chừng nuôi luôn cha mẹ nên vui vẻ gật đầu. Cũng nhờ nó òn ỉ mà mình mua trả góp năm công ruộng của bà dì, kế sát bên ruộng vợ chồng thằng Tí.

        Hầu như không ai hoặc rất ít người biết tên thật của tay Hai Chích. Người ta biết cô Hai, vợ hai Chích quê quán ở Cái Ngang, lên Sài Gòn phụ việc bán quán cơm cho người cô ruột ở bến xe Văn Thánh. Tay thanh niên nầy không có nhu cầu xe pháo gì hết mà mỗi ngày tới quán ăn ba bốn dĩa cơm, cô Hai cảm động bưng anh chàng nầy dìa tuốt Cái Ngang. Nhằm lúc dì thằng Tí kêu bán nửa dây ruộng đầu trong, nối theo đất của mình, vợ chồng họ có vốn nên trả tiền một lượt. Lúc đầu người ta chỉ gọi y là chồng con Hai, trỏng trỏng chung chung như vậy.  Tay nầy trước đây đi lính quân y, được huấn luyện sơ cấp cứu và căn bản y khoa. Nên bà con gần xóm nhức đầu sổ mủi, heo gà làm biếng bỏ ăn, nhờ tay nầy chẩn trị tám lần cũng trúng được bốn – năm. Nhờ dạn tay thực tập, nên không lâu nổi tiếng mát tay thiến heo, thiến gà. Có người ở cách mười cây số, đem ghe máy tới rước thầy Hai. Thầy được trả công mà còn được đãi nhậu hoắc cần câu, ghe chở về nhà mà thầy ngồi lên chưa nỗi. Cái tên Hai Chích không biết có khi nào, chỉ biết y rất cưng bộ ống chích thuỷ tinh, đựng trong hộp inox rất là chuyên nghiệp. Mới lấy chồng, cô Hai tá túc nhà  cha mẹ ở gần chợ Xã, đất làm thì mãi tận trong nầy. Tới lui mùa làm và chở lúa thóc về nhà bất tiện, vả lại thấy có người lân cận nên vợ chồng họ về đây dựng căn nhà lá, nằm ngay góc tam biên, vị trí gần như giữa ruột trên hai chục công ruộng cũ của dì Hai thằng Tí.

        Tay Năm Cua đinh thì mới thật là người của truyền thuyết, quê quán của y mãi tận Hòa Bình, Trà Ôn. Vùng đất nhiều lung đìa và những bải bồi lục bình rau mác dọc theo bờ kinh rạch. Không biết y có linh nhãn hay sao, mà nhìn tới nhìn lui mấy bãi sình, y dám quả quyết có cua đinh chém vè ở dưới. Ai đánh cá với y trở lên tay không, chưa có người nào thắng được. Ngoài tài bắt cua đinh thành danh sư tổ, chàng Năm có thêm tài gặt lúa, người ta cắt lúa thần nông ngày một công mệt muốn đứ hơi, chàng Năm nầy trời vừa qua xế thì công lúa đã xong xại khỏe re, trước khi về xóm tắm rửa ăn cơm, y lấy hơi dài hát tặng bà con còn lom khom dưới ruộng vài câu vọng cổ mùi như mít ướt. Không biết trời xuôi đất khiến làm sao, năm đó chàng ta theo nhóm người gặt mướn cánh đồng nầy. Mấy chục chủ đất mà không chọn, bắt nhằm đất ông bà Tư Tốt, trưa nào chàng ta cũng chờ cô út Bền bưng rổ cơm đến để kể cổ nghe chuyện bắt cua đinh, bắt ếch, chuyện đi gặt mướn ở Sóc Trăng mấy năm trước. Đôi khi cao hứng ca vài câu tân nhạc trữ tình ướt át.  Mùa gặt gần xong, dân làm rụt rịt nhổ trại, chỉ có chàng Năm nhởn nhơ bình thản. Họ xầm xì, thằng Năm cua đinh tính chém vè ở đây làm rể.
        Đám cưới con gái út và chàng rể có gia thế mồ côi nhưng lanh lợi giỏi giang vừa xong ít bữa, ông bà Tư Tốt gấp rút ra riêng cho họ trước mùa mưa. Trong sáu công đất ruộng cho cặp vợ chồng mới, họ lấy ra một công để đào ao lấy đất đấp nền nhà, dư ra vài liếp đất trồng cây. Miếng đất của vợ chồng Năm cua đinh kế cận cuối dây đất thằng Tí, ngoài bìa chu vi hình chữ nhật đứng của ba miếng đất tụi tui cộng lại.
 
        Từ ngày cái đường nước nhỏ xíu trước mặt nhà mình và thằng Tí được xáng cạp mở rộng và sâu như một con kinh, số đất được cạp đổ lên hai bên bờ kinh thênh thang như núi. Cái chòm nhà lẽ loi giữa ruộng bổng nhiên nhộn nhịp, các chủ ruộng tới lui cắm cọc căng dây trang trãi bằng thẳng mặt bờ kinh ngay trên phần đất của mình. Nhờ vậy mà thiên hạ biết được có bốn gia đình đang sống hiu quạnh ở đây. Thấy được cảnh con người dựa nhau mà sống. Không hẹn mà tự nhiên hình thành thế tứ trụ, nhà mình và thằng Tí đứng đầu hai dây đất sát bờ kinh, Hai Chích nằm giữa phía sau, nhà Năm Cua đinh đơn thân bọc hậu. Giữa cánh đồng bao la mút mắt, còn có một hổn danh là đồng chó ngáp, vàng hoe cháy nắng lúc mùa khô, nổi lên cái ốc đảo có những tàu lá dừa lá chuối xanh tươi, đem lại cho cảnh hoang sơ một chút  sắc màu sự sống.
        Đường nước nhỏ trước đây dẫn nước từ con rạch của xóm xa xa phía chân vườn. Cũng là thuỷ lộ để nông dân chở phân phướng giống má vào ruộng và tới mùa thu hoach, dùng xuồng nhỏ lòi lúa ra rạch lớn. Dọc theo đường nước là con đường mòn duy nhất cho dân của chòm nhà nầy lội bộ ra Ấp Năm và ra  bên ngoài. Từ lúc nó được đào lớn ra, và đầu trong  cùng của đường nước cũ nầy được nối dài để vươn tới con sông chạy dọc theo tỉnh lộ tráng nhựa về chợ Huyện. Chòm nhà mồ côi nầy bổng nhiên không còn đơn độc. Dân Xóm Rạch Lá và các xóm phía trong bây giờ dùng con Kinh Tắt để chuyển nông sản ra lộ, hay đưa rước người đi thành đi tỉnh. Tiếng xuồng máy tạch tạch dưới kinh bắt đầu từ hai ba giờ khuya của mấy người vùng sâu ra lộ đón các xe đi Sài Gòn chạy lên từ chợ Huyện, làm cho bốn gia đình nầy cảm thấy thế giới vẫn còn ở kế bên mình.
        Khi có người cầm cuốn sổ dầy cui ghi tên các chủ ruộng và dân cư xóm ấp phía trong chung cùng đóng  góp để làm con đường xi măng, bắt đầu rẽ vô từ con đường lên Tỉnh, sẽ chạy ngang trước cửa tụi mình, qua Ấp Năm rồi ra tới Xã. Thì cái bờ kinh đất đen thui còn rít chịch chất phèn bỗng trở thành vàng. Các chủ ruộng bắt đầu lục đục cất nhà dọc theo mé bờ kinh để gần nguồn nước trong lành và thuận tiện giao thông, ngay cả người không có ruộng ở đây cũng ráng chia được một nền nhà giá gần cắt cổ. Cái cột điện hạ thế đầu tiên được trồng xuống để chạy dọc theo con lộ xi măng trên bờ Kinh Tắt, thì giá cả ruộng đất vùng nầy vọt lên tới chỗ không ngờ, cái nền nhà mấy chục mét vuông mặt đất còn loang lổ ở bờ kinh lúc nầy giá cao hơn năm công ruộng mình mua dạo trước.
         Nhà cửa lần hồi mọc lên dầy đặc dọc hai bờ kinh đa số là nhà tường ngói đỏ xinh xinh, tưởng chừng mấy ấp trong xa dời ra đây hết. Những chiếc xe gắn máy qua lại suốt ngày đêm, đằng sau cái đông vui đó phát sinh một vấn nạn cũng hơi nhức nhối. Cái vấn nạn mới thấy đầu tiên trên cánh đồng chó ngáp, chớ nó đã xảy ra đều khắp các nơi.
       
        Thời gian chiến tranh, người ta sống quần tụ những chỗ tương đối an toàn. Vì mặt tiền đường lộ quá ít, nên càng ngày người ta cất nhà chen chút hàng hàng lớp lớp đàng sau những dãy mặt tiền. Những căn nhà phía sau nhiều khi phải đi vòng vo mới đến con hẽm chánh lớn, ít vòng vo hơn trước khi ra lộ. Có những nhà chỉ kế mặt tiền một lớp, lâu nay vẫn đi tắt ra đường nhờ bước qua hông nhà phía trước. Bỗng một bửa, trước mặt mình người ta rào bít chịt, dòm qua thấy những khuôn mặt mới, hay nhiều khi vẫn còn những khuôn mặt cũ lạnh như tiền, hình như chưa từng quen biết mấy chục năm nay.
        Những bậc cha mẹ có vài chục công vườn ruộng, con cái lớn lên cưới gả, lần lượt cắt đất chia từng khoanh nối đuôi theo miếng đất hương hỏa của mình. Không biết có phải con người lớn khôn là để tìm kiếm lý do thù ghét anh em. Một trong những người ruột rà máu mủ đó rào ngang phần đất của mình, hả hê hành tội mấy đứa phía trong phải nhảy mương qua đất người dưng để ra ngoài lộ. Cha mẹ họ chỉ biết dậm chân kêu trời không thấu, phải biết có cảnh nầy thì hồi đó chừa ra con đường chung cho cả đám con ngoan ngoản ngày nào.
        Nhưng có những con đường êm ả vui vẻ lâu nay cũng chưa được yên thân. Ông chủ đất hồi đó nhân hậu chăm chút con đường xuyên qua đất của mình để giúp cái chòm nhà phía sau thông ra lộ. Ông đó cho dù tốt vẫn phải chết, thằng con kế nghiệp cho dù xấu vẫn phải sống. Sau khi kế vị, thằng con bẻ chĩa, con đường đó một là bán, hai là rào kín lại.
        Không riêng ở tỉnh thành mới có cơn sốt nhà đất, ở nông thôn người ta cũng đo đạc đất đai tính bằng tấc, trao đổi bằng vàng. Vì vậy có những con mương ranh vườn đang bình yên phẳng lặng, bây giờ dậy sóng. Ông chủ bên đây nói con mương nằm trọn trên đất của tôi, ông bên kia nói có nửa phần của ổng.  Hai nhà lôi tổ tiên ra làm chứng, cho đến khi ông Toà chia đều cho cả hai bên. Rời phòng xử ra về, Toà mời hai phía bắt tay hòa hoản nhưng quên dặn câu, đừng có tới chết chẳng nhìn nhau.
        Những ống bộng nước âm dưới mặt bờ kinh hoặc mương dẫn nước vô ruộng có đi ngang thì chủ đất phía ngoài không có quyền ngăn chận. Vì ngàn xưa ông bà đã có câu “ruộng trong nong ruộng ngoài”, bắt buộc giúp đở chia sẻ nguồn nước cho nhau. Nhưng ông bà quên để lại câu “đàng trước nhường bước đàng sau”. Thế nên cơn gió vàng ròng bốn số thổi tới, cái Xóm Kinh Tắt chơn chất ở cánh đồng chó ngáp nầy cũng noi theo thời thế. Nhà nhà rào ngang khóa dọc, những cộ lúa hột đựng trong bao kéo từ ruộng xuống kinh không dễ dàng như mấy năm về trước. Cái dãy nhà và hàng quán trống nhạc đèn màu ken khít bờ Kinh Tắt như dãy trường thành che mất cánh đồng chó ngáp. Nếu chủ nhà là con cháu thì chủ ruộng cũng phải hạ mã vác từ bao lúa xuống bờ kinh đi nhờ qua đất nó. Nếu chủ đất không cho qua thì cũng vui lòng kéo cộ lúa nhảy vài bờ đê tìm bến khác quen thân.

        Hai tay Năm Cua đinh và Hai Chích trước đây bình thản vô tư vác phân bón lên đồng, vác lúa bao xuống bờ kinh cân cho thương lái, cả hai đều mạnh chân dậm trên đất của mình và thằng Tí. Nhưng từ khi thấy người ta quá quý trọng đất đai ở cái xóm mới nầy, tự nhiên họ cảm thấy phân vân lo lắng.
        Ngọn gió trúng đất chưa lung lay khu tứ trụ bền chắc keo sơn. Hiện giờ không có gì phá vỡ tình làng nghĩa xóm bốn người của họ. Nhưng ai biết được chuyện ngày mai, sẽ còn rất nhiều đêm dài lắm mộng.

Nguyễn Thế Điển

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
Xem tiếp...
nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

438
NHÓM THCL ĐI VIẾNG NGÔ QUANG BỬU
Tối 22/4, nhóm Trung Hoc chợ lách ở Sài Gòn gồm thầy Nguyễn Khắc Minh, THanh Tùng. Phương Chi và Phương...
657
BỬU ƠI !
Bửu ra đi không là nổi bất ngờ với bạn bè. Cách đây hơn hai năm khi nhóm bạn bè Tống Phước Hiệp chuẩn...
CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 16
Lượt truy cập: