Trung Học Chợ Lách

 DÒM LÉN NGƯỜI MẪU

Ngày đăng: 25/10/2022, 11:59 sáng, ý kiến phản hồi (0)

Sau khi di cư vào Nam năm 1954, tôi thi đậu vô lớp Đệ Thất trường Trung học Nguyễn Trãi niên khóa 1956-57. Hồi ấy ở miền Nam các lớp 6, 7, 8… gọi là Đệ Thất, Đệ Lục, Đệ Ngũ…, tới Đệ Tứ tức lớp 9 bây giờ là hết Trung Học Đệ Nhất Cấp, chúng tôi sẽ được chuyển sang trường Chu Văn An hay Petrus Ký để học tiếp các lớp Đệ Tam, Đệ Nhị, Đệ Nhất (tức lớp 10, lớp 11, lớp 12 bây giờ), kêu là Trung Học Đệ Nhị Cấp.

Ở Sài Gòn lúc ấy có 4 trường trung học đệ nhất cấp nho nhỏ vừa phải dành cho nam sinh, đó là các trường Nguyễn Trãi ở Đa Kao, Võ Trường Toản ở đường Nguyễn Bỉnh Khiêm phía trước Sở Thú, Trần Lục ở Tân Định, và trường Hồ Ngọc Cẩn ở bên Bà Chiểu. Ngoài bốn trường đệ nhất cấp nam sinh nói trên, có hai trường rất lớn vừa đệ nhất cấp vừa đệ nhị cấp cũng nam sinh là trường Petrus Ký và trường Chu Văn An.

Về phía nữ sinh, có hai trường cũng vừa đệ nhất cấp vừa đệ nhị cấp là Nữ Trung học Gia Long và Nữ Trung học Trưng Vương. Sau này có thêm hai trường khác nữa là Nữ Trung học Lê Văn Duyệt ở gần Lăng Ông Bà Chiểu và trường Mạc Đĩnh Chi kêu là trường “mixte” tức gồm cả nam lẫn nữ ở dưới Phú Lâm.

Tôi không kể hiện nay các trường nói trên đã đổi tên là gì, bởi vì sau 30-4-75, tất cả các trường tại Sài Gòn đều nam nữ học chung. Tất nhiên học chung cũng được, nam nữ cùng lớp cũng được, nhưng với điều kiện phải ngồi riêng, không ngồi cùng bàn lẫn lộn với nhau. Tại sao như thế?

Bởi vì nguyên tắc sư phạm nói rằng khi đã 14-15 tuổi trở lên (có khi còn nhỏ hơn nữa), nam có tính chất riêng của nam, nữ có tính chất riêng của nữ, trong lớp ngồi chung bàn với nhau là điều không tốt.

Ngày nay, trường học không hiểu vì mục đích gì mà người ta cứ cố ý xếp con trai ngồi xen kẽ với con gái dù các cháu đã học tới lớp 11-12. Họ không biết đến nguyên tắc sư phạm thì tôi không cần nói tới.

Trở lại câu chuyện Nguyễn Trãi, Chu Văn An ngày trước. Lạ lùng một điều rằng các trường Nguyễn Trãi, Trần Lục, Hồ Ngọc Cẩn, Võ Trường Toản lúc ấy đều là đệ nhất cấp, cuối năm Đệ Tứ học sinh được chuyển sang Chu Văn An hay Petrus Ký như nhau theo nguyện vọng của mình, nhưng xem ra Nguyễn Trãi và Chu Văn An rất thân thiết với nhau, hai trường như một. Năm 1956, cụ Vũ Ngô Xán, hiệu trưởng trường Chu Văn An về hưu, cụ Hoàng Văn Việt hiệu trưởng Nguyễn Trãi lên thay, rồi cụ Vũ Đức Thận giám học Chu Văn An sang làm hiệu trưởng Nguyễn Trãi. Lúc ấy các cụ chỉ vào khoảng 40 tuổi hoặc nhiều lắm 50 tuổi là cùng, vậy mà không hiểu tại sao chúng tôi lại cứ gọi bằng cụ chứ không gọi bằng thầy. Gọi ngầm vậy thôi, các cụ oai lắm, trời nắng chang chang như đổ lửa mà luôn luôn mặc com-lê, mang cra-vát, mặt mũi nghiêm trang như lúc nào cũng sẵn sàng la mắng học sinh nên chúng tôi sợ lắm, hễ trông thấy là vội vàng lảng tránh từ xa chứ chẳng khi nào dám đến gần các cụ.

Ban giáo sư Nguyễn Trãi hầu hết cũng là giáo sư Chu Văn An. Lúc ấy tôi mới học lớp Đệ Thất nên không biết rằng ngay cả những môn phụ như Hán văn, Nhạc, Hội họa… chúng tôi cũng được học với các “bậc sư”, như Hán văn thì học với cụ cử Tô Văn Độ và cụ tú Nguyễn Văn Anh; Nhạc học với nhạc sĩ Chung Quân Nguyễn Đức Tiến, tác giả bản Làng Tôi nổi tiếng; Hội họa học với “đại họa sĩ” Nguyễn Văn Thịnh “Del”, người đã đậu thủ khoa trường Đại học Mỹ Thuật La Mã.
Bây giờ, cũng từ câu chuyện về cụ Thịnh “Del”, tôi xin kể hầu quý bạn câu chuyện “dòm lén” khá đặc biệt không giống ai hết của ba đứa láo lếu tụi tôi.

Một hôm, một bạn trong lớp hỏi vị giáo sư vừa lùn vừa mập, giọng nói ề à giống như chuông bể Thịnh “Del”: “Thưa thầy, da thầy trắng, sao mọi người lại gọi thầy là họa sĩ Nguyễn Văn Thịnh “đen”?” Cụ Thịnh vốn tính xuề xòa, cười, lấy phấn viết lên bảng và giải thích: “Không phải vậy đâu, tại hồi trước thầy học hội họa ở bên La Mã, lúc thi tốt nghiệp đậu thủ khoa chung cả học viên các nước. Mà, ở trường Mỹ Thuật La Mã họ có truyền thống là ngày lễ tốt nghiệp, người đậu thủ khoa được đội lên đầu một vòng hoa làm bằng cây Delpinium giống như vòng Nguyệt Quế của ta nhưng không phải là cây Nguyệt Quế, bởi vì hoa Nguyệt Quế màu trắng, còn hoa câyDelpinium thì màu xanh dương, nghe nói rất quý.

Từ cây Delpinium, người ta nói tắt, ghi tên người đậu thủ khoa có chữ “Del” trong bằng tốt nghiệp, đấy là một vinh dự chứ không phải da đen da trắng”.

Thì ra thế, từ đấy chúng tôi mới hiểu ý nghĩa chữ “Del” phía sau họ tên của thầy Nguyễn Văn Thịnh… “Del”.
Ít lâu sau, các báo đăng tin ông Nguyễn Văn Thịnh, giáo sư hội họa các trường trung học Nguyễn Trãi và Chu Văn An bị bắt về tội “công xúc tu sỉ”: cảnh sát bắt quả tang ông cho một phụ nữ khoảng 27-28 tuổi, hoàn toàn khỏa thân đứng trên bàn trong xưởng vẽ của ông ở đường Bàn Cờ để các học viên vẽ.  Báo Ngôn Luận còn tường thuật rất kỹ là khi cảnh sát ập vào bắt, ông thản nhiên không nói gì cả, bảo ông ký biên bản thì ông ký, bảo giơ tay cho người ta còng ông cũng giơ tay. Riêng người phụ nữ không một mảnh vải che thân thì cảnh sát giữ bằng chứng bằng cách cho khoác tạm một chiếc mền mỏng trước khi bị dẫn ra xe. Cô cũng im lặng không nói gì cả. Hai người bị đưa về bót quận 3, hàng xóm ra coi đông như chợ.
Ngay hôm sau các báo lại đăng tin giáo sư Nguyễn Văn Thịnh đã được thả và do chính ông cảnh sát trưởng bót quận 3 đích thân lái xe Jeep đưa hai người về tận nhà, đồng thời ông cảnh sát trưởng cũng thay mặt toàn thể anh em cảnh sát trong bót quận 3 ngỏ lời xin lỗi về sự hiểu lầm đối với giáo sư Nguyễn Văn Thịnh và cô người mẫu.
Tuần sau, tới giờ vẽ, thầy Thịnh vào lớp, chúng tôi đứng lên chào và ai cũng cười cười mặc dầu chẳng ai dám cười lớn. Ông vẫy tay cho chúng tôi ngồi xuống rồi nói: “Tôi biết các em cười gì rồi nhưng thôi, kệ, không sao đâu, hôm nay chúng ta học về vẽ phối cảnh”.

Một anh ngồi ở bàn đầu thấy ông dễ tính bèn hỏi: “Thưa thầy chuyện thầy bị bắt hôm đó ra sao ạ?”. Ông cười lắc đầu: “Có gì đâu, họ hiểu lầm ấy mà. Họa sĩ vẽ khỏa thân thì phải có người mẫu chứ”. “Thưa, thế sao thầy không giải thích cho họ hiểu?”. “Giải thích làm gì. Cái hạng ngu dốt đó thì giải thích chỉ phí lời. Thôi, im lặng, học đi”, và ông bắt đầu giảng về cách vẽ phối cảnh.
Đối với giáo sư Thịnh-Del, mọi chuyện đơn giản như vậy nhưng sự thực là không đơn giản.

Chúng tôi nghe nói ngay sau khi biết tin, ông Ngô Đình Nhu tức lắm, cho gọi ngay ông cảnh sát trưởng bót quận 3 vào Dinh Độc Lập trình diện và đập bàn mắng xối xả: “Răng mà anh ngu như rứa hỉ? Người ta dạy hội họa thì phải có người mẫu, khỏa thân cũng được, không có chuyện chi hết. Tui ra lịnh cho anh phải thả ổng ra ngay lập tức, lái xe đưa ổng về nhà và xin lỗi ổng với cô người mẫu. Nếu họ không bằng lòng, báo chí đăng một tiếng, tui sẽ cách chức anh liền tức thì”.
Ông cảnh sát trưởng tuân lệnh và mọi chuyện kết thúc êm đẹp.

Ít lâu sau, thi lục cá nguyệt xong, hai đứa bạn thân trong lớp là Hoàng Ngọc Cảnh (trưởng lớp) và Nguyễn Toàn Thắng (trưởng ban văn nghệ) nói ngầm với tôi: “Này, thằng Hưng con cụ Thịnh-Del nó trông coi lớp dạy hội họa của cụ ấy đấy mày ạ. Hôm nọ tụi tao năn nỉ, nó lén cho hai đứa tao vô coi, đã lắm. Nếu mày muốn coi, bữa nào tụi tao nói với nó cho mày vô coi”. “Làm sao nó cho vô được? Lỡ cụ ấy biết thì chết”. “Không sao đâu, nó dặn tụi tao làm bộ đến ghi danh xin học rồi nó dẫn vô.

Ông già nó thường ở trên lầu, đến gần hết giờ mới xuống coi các bức hình của học viên vẽ. Mày đến đi, tụi tao dẫn vô, đã lắm!”.

Vâng, đã thật, đấy là lần đầu tiên tôi trông thấy thân thể phụ nữ. Lúc ấy tôi còn ít tuổi, mới học lớp Đệ Thất nên không phân biệt được cô đẹp hay xấu thế nào nhưng thân hình cô vừa phải, nước da trắng mịn, mái tóc buông xõa che xuống dưới vai.

Cô đứng trên bàn, thân hình nghiêng qua một bên, tay phải ôm một chiếc bình ngang trên vai, tay trái đưa sang đỡ hờ dưới đáy chiếc bình đó, chân đứng cheo chéo dáng trông rất đẹp. Ôi chao, bộ ngực cô và…và khoảng giữa hai đùi cô… Sau này, khi đã học lớp bên trên, mỗi lần đọc tới hai câu thơ trong Truyện Kiều của cụ Nguyễn Du tôi lại nhớ tới thân hình cô: “Rõ ràng trong ngọc trắng ngà, dầy dầy sẵn đúc một tòa thiên nhiên”.

Tôi thấy cụ Nguyễn Du là nhất, không ai có thể so sánh được.
Chuyện “nhìn trộm” của tôi là như thế. Không bao giờ tôi quên được cái thân hình trong ngọc trắng ngà ấy mặc dầu bây giờ nếu còn sống, có lẽ cô đã… gần 100 tuổi!…

ĐOÀN DỰ

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...
4322
LỚP ĐỆ THẤT NK69 HOP LẦN THỨ 8
Ngày 9/3/2024, Lớp đệ thất A1 NK : 1968-1869 đã có buổi họp bạn lần thứ 8 tại thị trần Chợ Lách, sau...
quan-chay-da-nang-1_1630824683
CHÚC MỪNG SINH NHẬT SONG THU
Ngày 10/3 là sinh nhật anh Lương Văn Thế, bút danh Song Thu, CHS trung học Chợ Lách. Anh là trưởng nhóm...
3
CHÚ NHẠC CÔNG ĐÁNH ĐÀN Ở SÀI GÒN
Hồi đôi năm trước, cứ Tết là có chú nhạc công ngồi khảy cây đàn Hạ Uy Di mướt buốt ruột ngoài Nguyễn...
174606
CHÚC MỪNG SINH NHẬT ĐẶNG CHI
Ngày 8/3 là sinh nhật Đặng Chi, cựu HS trung hoc Chợ Lách, hiện chị đang sống ở thị trấn và thường tụ...

LỜI DẪN

Tin nhà

h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
h1
BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 13
Lượt truy cập: