Trung Học Chợ Lách

THẦY TÔI –  ÔNG NGUYỄN KHOA THANH

Ngày đăng: 30/06/2019, 4:02 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Từ lúc mới cắp sách vào trường Tiểu học đến khi rời khỏi ghế nhà trường rất nhiều thầy cô thương yêu, dạy dỗ tôi và để lại trong tôi nhiều kỷ niệm êm đẹp và dấu ấn sâu sắc không bao giờ mờ phai. Một trong những thầy cô tôi yêu quý nhất, đó là thầy Nguyễn Khoa Thanh.

Thầy dạy chúng tôi môn Vạn vật và môn Vẽ từ năm Đệ Thất (tức lớp 6 bây giờ). Sau mấy tiết học môn Vẽ, một hôm thầy gọi tôi đến gặp thầy và thân mật vỗ vai tôi:

– Thầy cần giáo cụ để dạy môn Vạn vật tuần sau. Em giúp thầy vẽ phóng to một số hình hoa và lá trong sách giáo khoa nhé!

Vừa mừng vừa lo lắng vì được thầy tin tưởng giao việc, nhưng không biết mình có khả năng hoàn thành hay không, tôi ấp úng:

– Dạ thưa thầy…  em sẽ cố gắng ạ!

Thế là thầy đem ra tờ giấy bìa cứng (giấy pho khổ 79 x 109), hướng dẫn tỉ mỉ cách vẽ và vị trí của từng hình, và bảo tôi nộp cho thầy vào thứ hai tuần sau.

Đúng là vạn sự khởi đầu nan! Tôi lúng túng không biết bắt đầu công việc bằng cách nào, may thay anh Bốn tôi, người cũng biết đôi chút về hội họa, mách giúp:

– Em kẻ ô vuông lên hình vẽ trong sách giáo khoa, rồi em cũng kẻ bấy nhiêu ô vuông đó lên giấy pho theo tỉ lệ em muốn phóng to…

Bí quyết chỉ có bao nhiêu ấy. Tôi bèn nằm dài trên tấm phản nhà nội tôi và thích thú vẽ từng hình một…

(                                                                       hình vẽ lá 

Hôm nộp “bài” cho thầy tôi rất lo lắng, nhưng thầy tấm tắc khen và động viên tôi:

– Em vẽ cũng được đấy! Vậy nhờ em tiếp tục vẽ giúp thầy một số hình còn lại để thầy dùng làm giáo cụ cho lớp mình và các lớp khác nhé!

Tôi như mở cờ trong bụng khi được tầy khen nên lí nhí:

– Dạ em cảm ơn thầy ạ! …

Thầy ôn tồn chỉ ra từng nét vẽ, chữ viết cần bổ sung, sửa chữa để giáo cụ được hoàn chỉnh hơn, rồi đưa tiền cho tôi mua giấy pho, bút vẽ, thước kẻ, cục gôm… đủ để vẽ các hình thầy cần minh họa. Thế là cứ mỗi chiều đi học về, thay vì chạy nhảy, đùa chơi với các bạn học trong xóm, tôi nằm dài lên tấm phản, cặm cụi vẽ suốt cả tháng mới xong.

Nhờ “thử thách” đầu tay của thầy, vậy mà “tay nghề” của tôi cũng được nâng lên chút đỉnh! Bạn bè trong lớp thấy vậy nên tin tưởng phân công tôi trình bày, vẽ và viết tất cả các bài của các bạn trong lớp mỗi khi có cơ hội làm bích báo (báo tường).

Năm sau thầy tiếp tục dạy môn Vạn Vật và thêm môn Lý Hóa, đồng thời là giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Lục 2, chúng tôi luôn thích thú với các tiết học do thầy phụ trách vì thầy luôn tận tâm, gần gũi, thân thương với đám học trò…

Thầy dạy đến hết đệ nhất Lục cá nguyệt (học kỳ 1) thì được lệnh gọi nhập ngũ. Đám học trò của thầy còn quá bé bỏng để hiểu biết đầy đủ về chiến cuộc, nhưng ai cũng buồn bã khi biết phải chia tay với thầy. Lúc ấy lớp trưởng thông báo mọi người nên viết thư thăm hỏi, bày tỏ cảm tưởng với thầy. Năm ấy tôi không viết thư mà làm bài thơ tặng thầy. (Tôi may mắn tìm lại được tập thơ – thực ra chỉ là văn vần chứ chẳng phải thơ – mà tôi mới tập tành viết lách năm học Đệ Lục).

 

THẦY RA ĐI…

Em biết viết gì đây, ngày xa cách
Ghi vài lời kỷ niệm cuộc biệt ly…
Lời tắt nghẹn, nói gì thầy đừng trách (?)

Vì nỗi buồn dâng ngập ở bờ mi

Em kính mến, kính mến thầy vô hạn

Và muốn thầy dạy em mãi mà thôi

Thầy Thanh ôi! Em mến thầy vô hạn

Sao thầy – Em phải nhận cuộc ly-bôi?

Em chẳng biết nói gì cho phải lúc

Mà thấy lòng cứ buồn bã triền miên
Thầy ra đi… em có lời cầu chúc…
Chúc cho thầy khỏe mạnh với bình yên

28-03-1965

Rồi đám học trò cũ của thầy bị cuốn hút theo dòng đời …, người tha phương cầu thực nơi đất khách quê người, đứa ở lại quê nhà bương chải lo chén cơm manh áo, thầy trò tứ tán mỗi người một nẻo…

Tôi may mắn được gặp lại thầy trong thập niên 90, lúc ấy thầy đã về sinh sống ở Chợ Lầu, Bình Thuận. Từ ấy, Thầy trò chúng tôi thường gặp gỡ nhau hơn, khắng khít thân thương với nhau hơn. Có năm chúng tôi về quê, ghé thăm thầy cô và đón thầy về thăm trường cũ, xóm cũ… Có năm thầy cô về Sài Gòn thăm cháu và thăm đám học trò cũ, thế là chúng tôi quy tụ đông đủ bạn bè cùng khối và các lớp sau. Thầy trò có dịp hàn huyên tâm sự, chia sẻ chuyện buồn vui, miên man tưởng chừng như không bao giờ dứt…

Mỗi kỳ hè đến, thầy cô cũng háo hức không kém gì đám học trò, mong sớm về dự cuộc họp mặt liên lớp. Tay nắm lấy bàn tay, thầy trò mừng mừng, tủi tủi. Mừng vì trò vẫn còn thấy thầy cô khỏe mạnh, minh mẫn; tủi vì thầy cô thương đám học trò mới năm nào còn là các cô các cậu bé tí teo, thơ ngây vui đùa tung tăng dười hàng dương rợp bóng, giờ thoắt cái tóc chúng đã hoa râm, chuôi mắt đã hằn sâu những vết chân chim, nhiều đứa đã thành người thiên cổ…

Những năm thầy cô định cư ở nước ngoài nên không về dự họp mặt, thầy luôn gửi thư về thăm hỏi, động viên chúng tôi:…”gần 2 năm rồi thầy trò không gặp nhau, nhưng không phải vì thế mà chúng mình không còn nhớ đến nhau nữa, phải không các em? “Xa mặt mà đâu có cách lòng”…

Và: …”Các em của ta ơi! Thầy mong gặp lại các em trong buổi họp mặt biết bao, nhưng giờ đây thầy ở rất xa, tận xứ sở lạnh lẽo này, thầy chỉ có thể gửi đến các em lời thăm hỏi chân thành và nỗi lòng thương nhớ của người thầy cũ năm xưa…”.

Ôi! Lời của thầy chứa biết bao tâm tình thương yêu trìu mến!

Lúc hồi hương, thầy cô về Sài Gòn thăm chúng tôi về mang theo chai XO. Thầy nháy mắt bảo tôi:  – Năm nay thầy vừa tròn 80, các em cùng vui với thầy nhé!

Chúng tôi hơi bị bất ngờ vì tin vui này nhưng ai cũng mừng quýnh: người chạy đi mua thêm bánh sinh nhật, đứa đi tìm mua hoa, nhữnh đứa còn lại lăng xăng sắp đặt bàn ghế, thức ăn… chuẩn bị tiệc sinh nhật gọn nhẹ nhưng ấm cúng và vui nhộn. Trong chốc lát, ngọn nến đã được thắp lên, đồ ăn thức uống được bày ra, và chỉ chờ có thế chúng tôi cùng vỗ tay và hát: “Happy Birthday to you…” trong niềm hân hoan ngập tràn hạnh phúc…

(                                                                    Ngày sinh nhật

Còn biết bao kỷ niệm êm đềm trong quá khứ của thầy trò chúng tôi không thể nào kể hết được, và cũng sẽ còn nhiều lần gặp gỡ, chia sẻ buồn vui với thầy nếu không có căn bệnh hiểm nghèo đã sớm quật ngã thầy tôi! Đầu tháng 6 năm 2016, chúng tôi về thăm thầy. Thầy vẫn còn tươi tỉnh, tuy đi lại có phần khó khăn. Thầy bảo năm nay thầy cô không về dự họp mặt được, tôi xin phép thầy phát biểu vài lời để ghi hình gửi về các bạn xem trong ngày họp mặt. Thầy vui vẻ nhận lời và phát biểu chậm rãi, xúc động:

– Các em ơi! Không phải xa mặt cách lòng, nhưng mà vì tình trạng sức khỏe của Thầy không tốt, lực bất tòng tâm, cho nên Thầy không thể ra để chung vui với mấy em được. Thôi hẹn với các em vào dịp khác thầy trò ta sẽ cùng hàn huyên tâm sự với nhau nhiều hơn. Thầy chúc cho các em có một cuộc họp mặt vui vẻ, đầy tình thân ái…

Không ai ngờ rằng những lời nói của thầy là lời cuối cùng với học trò và kỳ họp mặt lần thứ 20 cũng là kỳ cuối cùng thầy tham dự…

Ba tháng sau thầy ra đi trong niềm thương yêu, tiếc nuối vô hạn của mọi người. Tiễn biệt thầy về nơi yên nghỉ cuối cùng, đông đảo người thân, bạn đồng nghiệp và các học trò cũ của thầy không ai cầm được nước mắt. Khi linh cửu thầy vừa được hạ huyệt mỗi người cầm trên tay đóa hoa cúc trắng chuẩn bị ném xuống huyệt mộ để tiễn đưa thầy, P.H nhắc tôi:

– Anh thay mặt các bạn nói lời vĩnh biệt thầy!

Lúc ấy nước mắt tôi đã lưng tròng, nghẹn ngào không nói nên lời và chuẩn bị vỡ òa tiếng khóc. May thay có cô Đào đứng kế bên tôi vội vàng nhờ cô thay mặt đồng nghiệp và học trò phát biểu. Cô Đào cũng đang sùi sụt như tôi nhưng kịp trấn tĩnh và nói những lời vĩnh biệt sau cùng với thầy, cầu mong thầy sớm yên nghỉ nơi cõi vĩnh hằng.

*

Đêm nay ngồi một mình trong phòng vắng tôi chợt nhớ đến thầy vô hạn. Bao nhiêu ký ức tuổi thơ tràn về, bao nhiêu kỷ niệm êm đẹp với thầy hiện ra trước mắt… . Thầy ơi! Bây giờ thầy đang ở đâu?!

Văng vẳng đâu đây có tiếng nhạc bài Mẹ Tôi (NS Trần Tiến), tôi buồn buồn hát theo:

“Thầy ơi! Em đã già rồi!
Em ngồi nhớ thầy khóc như trẻ con…”

Đêm Hè 2019

Lê Lầu

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
Xem tiếp...
nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...
h4
NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn...
Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 4
Lượt truy cập: