Trung Học Chợ Lách

NGÀY NGHỈ VỀ QUÊ THẠNH PHÚ

Ngày đăng: 15/05/2019, 9:47 sáng, ý kiến phản hồi (0)

Mười ba  tiếng đồng hồ, 130 cây số, xe máy, qua phà, đi ghe, tỉnh lộ đến đường làng đất đỏ, đi chân trần: trên đường làng, trên bùn nhão, xuyên qua những con đường cỏ cao ngút…Tôi đi trong sự bình yên. Ngồi trong căn chòi dừa, nhìn ra ruộng lúa, vuông cua, nghe gió xào xạc qua lá dừa nước, tôi cảm nhận cuộc sống người dân miền biển…Lời cám ơn chân thành đến bạn và gia đình đã đón tiếp chúng tôi nồng hậu với những bữa ăn thật ngon và thật no với canh chua tôm, cua luộc và cháo vịt, Tôi đã có một chuyến đi thật vui và đáng nhớ.

Tôi rất mong được một dịp đặt chân đến miền đất nồi tiếng với cua, tôm và đồ biển này và nơi đây là huyện còn lại của tỉnh Bến Tre tôi chưa đặt chân đến. Từ lời rủ rê của mấy cô bạn đồng nghiệp mà chúng tôi lên đường từ năm giờ sáng . Bước ra khỏi nhà, nhìn đường phố yên ắng, một cảm giác thật dễ chịu, thật bình yên, đường sạch trơn không một cọng rác, tôi biết rằng có rất nhiều người đã vất vả trong đêm khuya…Chúng tôi hẹn nhau dưới chân cầu Hàm Luông, đã biết bao lần qua cầu  nhưng lần đầu tiên tôi không thấy những rặng dừa xanh mướt trãi dài, mà là vùng biển phía xa xa ngút ngàn, Thạnh Phú, nơi tôi đến.

Người ta bảo “có thực mới vực được đạo”, để có thể tiếp tục đoạn đường hơn 50 cây số, chúng tôi ghé ăn sáng tại một quán nhỏ ven đường gần thị trấn Mỏ Cày. Tôi phân vân, đắn đo chọn món ăn: cơm tấm, cháo lòng, bánh canh. hủ tiếu hay nui, món nào  cũng hấp dẫn cho cái bao tử đang kêu réo. Đắn đo một chút, tôi chọn món cháo lòng lâu rồi tôi chưa có dịp ăn.  Tô cháo được  bưng ra nghi ngút khói, cháo  sền sệt màu nâu, điểm màu xanh lưa thưa của rau và cái bóng bẩy của hành phi mới vừa rang giòn rụm, thêm cái vị chua chua của tắc và vị cay thơm nồng của tiêu, tôi đã không thể kiềm lòng húp ngay một muỗng to và kêu oai oai vì phỏng lưỡi. Bao tử tôi đã có một buổi sáng tuyệt vời.

Hơn năm mươi cây số đường như là một cuộc dạo chơi cùng gió, nhè nhẹ trong cái lành lạnh của buổi sớm mai và màu xanh mướt của hàng cây hai bên đường chạy dài ngút tầm mắt. Có những khoảnh khắc thú vị trên đường: phía xa xa trong như một cây bông đủ màu sắc ngộ nghĩnh đang di chuyển trên đường, chúng tôi tăng tốc để tiến gần hơn, gần hơn và gần hơn nữa, và bật cười thích thú phát hiện ra đó là chiếc xe Honda chở bánh, vô số loại bánh đủ màu sắc hình dáng mà lũ trẻ con cấp một hay mua trước cổng trường, làm thành một cái cây tròn to đủ màu sắc và hấp dẫn mọi thứ chạy cùng đường với nó.

Tranh thủ vài phút qua phà sớm, tôi và nhỏ bạn đồng nghiệp tranh thủ chụp cho nhau gương mặt buổi sáng sớm. Những bức ảnh trên phà làm tôi nhớ đến những chuyến phà Rạch Miễu ngày xưa với những cảm xúc giống nhau mỗi lần xuống phà: mình về đến nhà rồi.

Mặt trời lên, chói chang trên đoạn đường  phía trước: gần  hai cây số đường đất, ổ voi, ổ gà, đường trơn trợt, mặt đường được thay bởi mặt nước, những vũng nước to nhỏ, đỏ au, gần như phủ kín và trãi dài. Người ngồi trước: căng thẳng, tập trung, cầm chắc tay lái; người ngồi sau: co chân, nắm quần, thú vị! Nhưng  rồi khó khăn nào cũng qua, con đường nào  cũng có ngả rẽ. Chúng tôi rẽ vào con đường làng nhỏ, quanh co, được lát những tấm xi măng sạch sẽ. Qua lối đi được lót cỏ cạnh bờ đậu phộng cây con mới nhú lên bé tí bằng ngón tay: nhà bạn đây rồi.

Ngôi nhà ba gian đơn sơ, sạch sẽ, nhỏ nhắn. Gian giữa với bộ liễn thờ tổ tiên đầy màu sắc hòa cùng tông màu với chiếc khăn trãi bàn nhung đỏ giữa nhà dùng để tiếp khách trang trọng. Hai bức tranh rồng phụng hai bên và tấm rèm buông cửa hoàn chỉnh tổng thể cho bức tranh sắc màu của một ngôi nhà mang đậm chất thôn quê. Gia đình bạn tôi có bốn anh chị em, ba thế hệ. Họ đón chào chúng tôi theo đúng cách người thôn quê: làm thật nhiều thức ăn. Bữa ăn (không biết gọi là ăn sáng hay ăn trưa) lúc chín giờ sáng, với canh chua tôm và cá kho mà giờ đây nhắc lại tôi vẫn còn thấy thèm thuồng. Ấm áp, no và đầy năng lượng, chúng tôi tiếp tục hành trình khám phá vuông cua.

Ba của  bạn tôi, một người đàn ông chân trần, chân chất, mái tóc điểm bạc những lam lũ cuộc sống, khuôn mặt hiền từ ít nói nhưng có cái nhìn đầy bao dung. Ông đưa chúng tôi sang sông bằng chiếc ghe máy. Tôi gọi hành trình đến vuông cua là hành trình của đôi chân trần: trên nền đất, trên lối cỏ khô, trên con đường làng mát rượi bóng cây, trên bùn nhão bước đến đâu là lún đến đó, trên bọt sóng sông Cửu Long đỏ gạch màu phù sa, trên thảm cỏ lam mềm mại, xuyên qua bờ cỏ cao hơn đầu người, cỏ bén cắt ngứa chân, trên nền đất lẫn rơm và phân bò của nhà hàng xóm. Tôi bước đi trong sự bình yên của cảnh vật, sự háo hức của mỗi bước chân, sự thú vị của những cái click máy (chụp ảnh) và sự trải nghiệm của tâm hồn.

Đứng trên bờ cỏ nhìn về phía căn chòi dừa, chiếc xuồng ba lá gác mái chèo im lìm trên mặt nước, giữa những vuông cua êm đềm xen kẽ những khoảnh lúa xanh rờn trãi dài ngút ngàn đến những ngọn dừa nước xa thật là xa, tôi cảm giác như mình đang đứng giữa “cánh đồng bất tận” của chị Nguyễn Ngọc Tư. Cái lam lũ, vất vả của cuộc sống “khum xuống là nước, ngửa mặt là trời” của người dân vùng biển đong đầy trong mắt, nhưng lấp đầy trong tim là cái đẹp của cuộc sống bình dị giản đơn, trong tiếng hát của gió xào xạc qua những ngọn dừa nước, tiếng khua nước bằng cây dầm trên chiếc xuồng ba lá đi đặt lợ câu cua. Lần đầu tiên tôi thấy mình hòa nhập với thiên nhiên.

Chuyến đi câu cua trở nên hứng khởi hơn, sau ba lần đi thăm lợ thì chúng tôi đã có hai con cua đực mang về. Cô bạn Thạnh Phú chỉ tôi cách phân biệt cua đực và cua cái qua mai cua: mai màu trắng có hình tam giác ở giữa là cua đực, con còn lại là cua cái. Tôi còn được biết rằng người dân nơi đây sinh sống và canh tác theo thời tiết. Mùa nước mặn (mùa khô) người dân nuôi cua và tôm trong vuông; mùa nước ngọt (mùa mưa) khi tôm cua đã thu hoạch gần hết, thì cũng là lúc xả nước trong vuông ra và cấy mạ. Sau đó cho nước vào vuông lại để thả tôm và cua giống xuống. Sau vụ lúa 3 tháng cũng là lúc tôm cua đã trưởng thành và có thể “thu hoạch”. Thật thú vị khi thấy những vuông cua đầy nước xen kẽ những khoảnh lúa xanh rờn và được nghe câu chuyện về chúng. Nước đã lớn, chúng tôi quay về nhà trên chiếc xuồng máy đuôi tôm, len lỏi qua những con rạch nhỏ, tiếng máy xuồng lạch bạch khua nước vang vọng cả những hàng dừa nước trĩu quả hai bên bờ.

Bữa trưa quây quần bên nồi cháo vịt béo ngậy nghi ngút khói, cùng dĩa gỏi bắp chuối, rau muống xanh rờn, không quên kèm một dĩa nước mắm gừng vàng óng cay cay, thêm một rổ tôm cua vừa luộc đỏ au chấm muối ớt cay nồng. Chúng tôi say. Say những món ngon quên cả lối về, say màu đỏ au của gạch, của tôm nướng, say cả tấm lòng hiếu khách “ít nói làm nhiều” của người dân miền biển. Một tiếng đồng hồ, quá ngắn ngủi cho những câu chuyện trên bàn ăn, chúng tôi ra về với cái bụng căng tròn và đầy ấp tấm chân tình trong một gia đình miền biển mà tôi tin chắc rằng mình sẽ quay trở lại một ngày không xa.

VÂN LƯU

h1

h2

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
  Năm nay, Ban Liên Lạc Đồng hương Chợ Lách họp ngày 24/2 tức 14 tháng giêng tại  Trung tâm Hội...
Xem tiếp...
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Năm 1992 khi chiếu bộ phim “Người tình” (L’Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 22
Lượt truy cập: