Trung Học Chợ Lách

KỶ NIỆM BAN ĐẦU VÀO NGHIỆP GIÁO

Ngày đăng: 06/05/2019, 9:38 chiều, ý kiến phản hồi (1)

Có lẻ nhờ lý lịch tốt nên sau 30/4,tôi được trưng dụng lại , có người gọi là giáo viên ngụy ,có người gọi là giáo viên lưu dụng, riêng có một số cán bộ A chi viện họ bỏ đi dấu nặng và gọi chúng tôi là giáo viên lưu dung. Mặc tình ai muốn gọi gì thì gọi, vì nghĩ rằng mình chẳng có tội gì trong cuộc chiến vừa qua nên sẵn sàng tham gia công tác mà không chút đắn đo, một phần cũng hơi sợ, nếu làm khác thì cho là mình bất hợp tác .
Sau một phiên họp của Phòng Giáo Dục, tôi được Quyết định phân công về làm Trưởng Ban điều hành của Trường cấp 1 Gịuc Tượng thuộc huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Địa danh nầy trước đây tôi có nghe nói tới nhưng tìm hiểu. Nay nhận nhiệm vụ mới , tôi bắt đầu thăm hỏi thì được biết xã nầy có 6 ấp và có hai dân tộc sinh sống : Kinh và Khmer , chia thành hai khu vực rõ rệt, ba ấp của người Việt , ba ấp của người dân tộc. Để chuẩn bị cho việc khai giảng năm học theo sự chỉ đạo của phòng giáo dục , các Ban điều hành (BĐH) phải đến từng điểm trường nắm tình hình rồi báo cáo về trên để xin ý kiến. Ngày trước nếu làm Hiệu trưởng thì chỉ biết một trường mà thôi , còn trường nào có từ lớp 3 trở xuống thì người đứng đầu gọi là Trưởng giáo. Như vậy theo sự tổ chức mới nầy thì BĐH có nhiệm vụ nặng nề hơn vì phải phụ trách tất cả các trường trong xã . Nếu xã có địa bàn rộng thì vất vả vô cùng . Đối với Giuc Tượng thì có nhiều khó khăn và phức tạp . Khó khăn vì ở nơi nầy muốn di chuyển thì phải đi bằng xuồng ,còn
đi bộ thì đường sá gần như không có, phải đi trên bờ ruộng . Cứ nghe những địa danh như : Trụn – Bon sa – Cana thum – Láng tượng…..là ớn lạnh rồi .
Người ta còn nói rằng người dân tộc ở đây đang trên đà học Thư học Thuốc. Điều nầy không biết có hay không nhưng thỉnh thoảng có người bụng lớn chang bang phải nhờ thầy gở, vật lấy ra trong bụng thường là lưỡi lam hoặc một miếng da trâu. Đối tượng để họ Thư là những người lạ và cách thư là đưa thức ăn thuốc vào cơ thể người bị hại .Tôi cho đây là vấn đề phức tạp nhất.
Tôi chọn cách dễ làm trước, nghĩa là đến 3 ấp của người Việt, rồi sau mới nghĩ tới 3 ấp của người Khơ me .

Sáng hôm đó tôi quyết định đến Chùa Trụn ( ấp Tân Hưng ) nơi xem là nguy hiểm nhất so với 2 ấp kia ( Tân Lợi và Tân Thành ) .Cũng có người can ngăn, khuyên tôi đừng đi, nhưng vì bổn phận tôi không thể không đi, cứ xem như liều mạng vậy!
Một người dân đi chợ cho tôi quá giang xuồng , đi được chừng 3 cây số thì tới một ngả ba. Bà chủ xuồng cho biết đây là Vàm Tà Xom , thầy muốn đến chùa Trụn thì phải đi 2 cây số nữa . Tôi bắt đầu thấy lo lo vì những điều khác lạ, trước mắt mình . Con rạch không sâu lắm , chỉ hơn một mét, nước thì chảy lừ đừ lại có màu xanh kỳ lạ . Nhìn lên bờ thì nhà cửa xập xệ, trẻ con trần truồng đang đùa giởn trước sân, lại có những cái cây gì lạ hoắc mà tôi chưa từng thấy bao giờ .
Thế rồi tôi cũng đến được nơi cần phải đến , đi thêm 50 mét thì đến cổng chùa. Ngôi chùa khá bề thế và cũng khá cổ kính. Cứ nhìn hàng cây sao bao bọc xung quanh ,cây nào cây nấy to cở một người ôm không xuể, đủ biết tuổi của ngôi chùa nầy không nhỏ .
Đang miên man suy nghĩ, bỗng có hai ông lục chừng 15 – 17 tuổi bất ngờ xông ra chận tôi lại rồi hỏi : – Tâu na quây ?
Nhờ có học lóm vài tiếng nên tôi biết là họ hỏi tôi đi đâu . Tôi trả lời :
Tôi tới thăm Đại Đức .
Ông còn lại nói bằng tiếng Việt :
Vậy đi theo tui .
Ông lục ấy dẩn tôi vào một ngôi nhà gọi là Sala và bảo tôi đứng đợi . Chừng mười phút sau , nghe có tiếng động ,tôi nhìn vô thì thấy có một ông sư chừng 70 tuổi khoát màn bước ra ,ông chỉ mặc cái áo cánh mỏng trên người. Ngoài cái mặt , còn thân hình hể chỗ da nào còn trống thì xâm chữ hoặc hình quái dị .
Ông trợn mắt hỏi :
ĐM đi đâu vậy mậy ? (thật 100 %)
Nhìn ông , nghe ông hỏi , lúc đó hồn vía tôi muốn lên mây, định bỏ chạy ,nhưng không biết chạy đi đâu , đành chịu trận. Cố gắng lấy lại bình tĩnh, tôi chấp tay xá ông một xá rồi nói :
Bạch Đại Đức ,con công tác ngành giáo dục, nay có dịp đi ngang đây , trước xin phép được vấn an đại đức .
Tôi vừa nói xong , ông liền vổ vai tôi một cái thật mạnh rồi bảo :
ĐM thằng nầy biết điều quây .( thật 100 %)
Ông nói như ra lệnh, Ngồi xuống đó đi .
Như cái máy , theo ngón tay chỉ của ông ,tôi ngồi xuống bộ ngựa gõ dầy chừng một tấc bóng loáng ,đen mun , lại còn trải một chiếc chiếu bông thật đẹp. Ông ngồi ngang tôi và bắt đầu hỏi chuyện , đăc biệt là ông nói tiếng Việt rất chuẩn, y như người miền Nam vậy , không giống như những người Khơ me khác.
Ông hỏi tôi tên tuổi, quê quán …và cách nói càng lúc càng êm ái ,ngot ngào hơn, không còn chửi thề như trước . Ngay lúc đó có một ông lục mang tới một bình trà , ông khác mang ra một cây thuốc Capstan còn mới tinh .
Ông rót nước mời tôi uống, rút thuốc mời tôi hút, dù có hơi lo nhưng tôi không dám cải vì sợ ông cho là mình bất lịch sự .
Thấy tôi có vẻ do dự , ông nói:
–Con cứ uống nước ,hút thuốc đi , không có sao đâu .
Thấy mình lở leo lên lưng cọp ,thôi thì tới đâu thì tới .
Không biết do sự lễ phép của mình hay lý do nào khác mà cuộc trò chuyện của Ông và tôi càng lúc càng say sưa, ông xưng là Đại Đức và gọi tôi bằng con rất là thân tình . Ông hút thuốc liên tục , cứ hết nửa điếu ,ông quăng đi rồi đốt điếu khác ,mỗi lần như vậy ông đều mời tôi , tôi từ chối thì ông nói : Đừng có cải . Cải là tao giận à !
Tôi phải đành làm theo ông ,nghĩa là hút được nửa điếu thì dụi và đốt điếu khác. Khi nói chuyện ,thỉnh thoảng ông đệm tiếng Tây . Tôi cũng vậy ,ngoài việc vận dụng những kiến thức mà tôi đã đọc được trong quyển ĐẮC NHÂN TÂM của nhà văn Nguyễn Hiến Lê và cũng đệm vài tiếng Pháp, điều nầy làm ông thích lắm , có lẽ lâu rồi chưa có người nào nói chuyện hợp ý với ông như vậy .

Theo lời ông kể, trước đây ông có đi lính Comando của Pháp ,lên tới cấp bậc thượng sĩ . Đến năm 1954 , Pháp rút, ông trở về chùa tu lại và trở thành Sải Cả cho đến ngày hôm nay . Cũng nên biết thêm , người Khơ me có tập tục là cất nhà và trú ngụ xung quanh Chùa , trường học cũng ở trong chùa luôn, giáo viên là những vị sư có trình độ trung học giảng dạy . Trụ trì chùa gọi là Sải Cả , vị nầy có thời gian tu lâu nhất và có uy tín nhất , đó là người lảnh đạo tinh thần của một vùng . Chính quyền muốn phổ biến điều gì thì phải nói với ông trước ,rồi ông nói lại thì dân mới nghe .
Thấy cũng quá trưa, Tôi xin phép từ giả ông, ông hỏi :
Hôm nay con ghé thăm Đại Đức rồi tính đi đâu nữa? Tôi thành thật trả lời :
Dạ con tính qua Bon sa ( ấp Tân Lợi )và Ca na thum ( ấp Tân Thành ).
Ông cười nhẹ rồi nói :
Đi sao được mà đi, con!.Bên ngoài thì trời mưa lất phất , nước ngập mênh mông .
Ông lại hỏi tôi :
Con tính đi cách nào đây . Nếu con lội dưới ruộng thì cũng mệt đứt hơi mà chết , còn nếu đi trên bờ mẫu rắn hổ nó cắn cũng bỏ mạng .
Thấy tôi băn khoăn lo lắng ,ông cười và nói :
Yên tâm đi . Nếu con không biết tới Đại Đức thì thôi . Đàng nầy con biết tới đại đức thì đại đức phải biết tới con chớ .
Ô ng cầm một cái chuông nhỏ ,trên đầu chuông có gắn một cái cán cây ( kiểu chuông bán cà rem ) lắc nhẹ mấy cái thì có 4 ông lục hình như chực sẵn đâu đó chạy đến trước mặt ông và tôi rồi đồng loạt quỳ xuống lạy .Quá bất ngờ vì đây là lần đầu tiên thấy có người lạy mình , mà người lạy là mấy ông sư. Tôi co chân định nhảy , có lẽ đoán trước được nên ông vói tay đè vai tôi
lại và nói :Thây kệ nó
Lạy xong 4 lạy , họ đứng ra 2 bên , mỗi bên 2 ông.Ông nói với họ một tràng tiếng Khmer, tôi thấy họ gật đầu lia lịa và túa ra đi . Tôi với ông tiếp tục nói chuyện , liếc mắt qua cửa sổ thấy có 2 ông sư vào trong trại mở giây hạ xuống một cái vỏ bằng gỗ đóng theo kiểu vỏ bo bo , vì đây là vùng bị ngập nước vào những tháng nầy ,do đó khi sử dụng xong người ta dùng rỏ rẻ kéo lên cao cho khỏi bị mục . Hai ông khác khiên ra một chiếc máy BS 16 rồi trở vào xách ra một can xăng 25 lít , còn 2 ông hạ vỏ hồi nảy cầm một cây dầm và trải xuống vỏ một chiếc chiếu bông . Xong xuôi 4 ông nầy vào lạy ông đại đức và tôi một lần nữa
Nói một tràng tiếng Khơ me chắc là để báo cáo , tôi ngồi yên tại chỗ và không định chạy như lần trước . Ông đại đức chỉ tay về phía cái vỏ rồi nói với tôi: –Đó . Đại Đức lo cho con hết rồi đó , muốn đi đâu thì kêu tụi nó đưa đi , nhớ cho tụi nó về sớm kẻo đại đức trông .
Tôi thấy phần nào an tâm nên đứng dậy xin phép từ giả ,ông chợt hỏi :
À mà con có ăn uống gì chưa ? Tôi trả lời :
– Dạ con ăn rồi .
Ông nhìn tôi cười rồi nói : – Mầy nói dóc , con tới đây còn sớm bửng ,ăn gì mà ăn
Thôi con đợi đại đức một chút . Nói xong ông vào trong mang ra một đòn bánh tét to bằng bắp vế đưa cho tôi và nói : – Con đem cái nầy ăn theo đường , nhớ đừng ăn tầm bậy,chết à !
Tôi vội nói : – Dạ cám ơn Đại Đức con không đói . Thấy tôi có vẻ e dè , ông vổ vai tôi và nói :
– Mầy sợ tao thuốc mầy chớ gì ? Đại Đức không có thuốc con đâu, đại đức mà thuốc là con chết nảy giờ rồi !
Nghe qua tôi nổi gai ốc . Thật hú hồn .
Ông tiển tôi xuống bến, nhét vào túi tôi một gói CAPSTAN mới , ông bắt tay từ giả tôi, có vẻ lưu luyến lắm……Lúc quay lưng tôi còn nghe ông nói nhỏ :“ Uổng quá “.
Riêng mấy ông lục nhỏ có lẻ vì lâu không được ra khỏi chùa ,nay có dip lại được sử dụng máy công suất lớn nên chạy bạt mạng trên đồng luá ngập nước .
Và rồi chuyến công tác cũng kết thúc ,tôi về đến trường khoảng năm giờ chiều. Thấy tôi về bình an ,ai nấy đều mừng vui . Lúc đó tôi có mượn một cái nhà của dân để anh chị em giáo vi6n ở tạm ,Thấy tôi có mang về một đòn bánh tét to, họ hỏi thì tôi trả lời qua loa :”-Đây là quà của phụ huynh biếu cho chúng ta “. Vì quá mệt mõi nên tôi ngủ quên lúc nào không biết ,khi giựt mình tỉnh dậy thì đòn bánh tét được anh em thanh toán xong , không quên để dành lại cho tôi một phần ,sợ bạn bè lo lắng ,tôi giữ im lặng rồi ăn nốt phần còn lại và không có sao cho đến ngày hôm nay .

Viết xong ngày 1/11/ 2018
Lê Tấn Lực
Tặng Văn Năng , người em biết tên nhưng chưa biết mặt .

.

Một bình luận

  1. Được tác giả đề tặng tui nữa kìa. Cảm ơn anh Lê Tấn Lực nhiều lắm. Vậy là anh cho phép gọi bằng anh rồi hén.

    Chuyện này đọc cũng hồi hộp dữ nhen. Nhưng sao thấy viết xong hồi năm ngoài mà tới giờ mới đăng vậy anh?

Trả lời Văn Năng Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
Xem tiếp...
nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...
h4
NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn...
Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 4
Lượt truy cập: