Trung Học Chợ Lách

THẦY VÀ BẠN CŨ.

Ngày đăng: 17/02/2019, 5:59 chiều, ý kiến phản hồi (3)

Bước vào học cấp III với bọn tôi lúc đó như bước vào một môi trường mới. Đầu giờ, đến trường và khi tan học, học sinh chạy xe đạp từng đoàn, đông, vui và khí thế lắm. Niên khóa năm đó, khối lớp 10 (lớp đầu cấp) chia làm 4 lớp, thứ tự là A, B, C, D. Tôi và Bạn Huân (Lê Văn Huân), Diễm Đào (nhóm Phú Phụng) cùng Xuân Lan, Phỉ, Huấn …(nhóm Vĩnh Bình), Tặng, Khinh, Khánh(Nguyễn Duy Khánh), Bảnh ( nhóm Sơn Định), Long, Chi, Thuỷ, Hà Thuỷ, Hiệu, Phong, Khánh (Đỗ Hữu Khánh), Sỷ và một số bạn nữa (tôi không nhớ hết) thuộc nhóm Thị Trấn trở xuống các xã Hoà Nghĩa – Long Thới, cùng được xếp vào lớp 10 D. Các bạn còn lại thuộc nhóm Phú Phụng như Chang vào lóp 10 C, Khâm, Lý vào lớp 10 B. Lúc đầu học vào lớp 10 có phân ban ( Toán – Lý;  Hoá-Sinh; Văn – Sử – Địa), sau đó khoảng vài tháng thì Bộ giáo dục xoá phân ban. Chủ nhiệm lớp 10 D của tôi lúc đầu thì không nhớ là thầy, cô nào nhưng sau đó là thầy Trần Công Nghiệp – dạy Sinh. Thầy Nghiệp tốt nghiệp Đại Học Cần Thơ, thầy ra trường là về dạy THCL và làm chủ nhiệm lớp tôi. Thầy quê  ở xã Vĩnh Bình, rất điển trai, dáng khá cao mà ăn nói từ tốn, nhỏ nhẹ, đặc biết rất yêu thương lớp chúng tôi. Tôi còn nhớ sau cuối năm học, một số bạn trong lớp nghỉ học, lớp không bảo đảm được sỉ số nên trường sáp nhập với lớp 10 A. Từ đó khi lên lớp 11 thì chỉ còn 11A, không còn lớp 11D nữa. Khi nghe tin sáp nhập, cả lớp buồn hiu. Mấy bạn nữ khóc rưng rức, tội nhất là chị Thủy (lớp phó học tập) úp mặt xuống bàn nước mắt ướt đẫm. Thầy Nghiệp cố gắng động viên học trò nhưng tôi biết chắc rằng thầy cũng không được vui. Hết tiết học ra khỏi lớp, mắt thầy cũng hơi đỏ đỏ.

Thời bọn tôi vào học cấp III, đời sống rất khó khăn nên trường không bắt học sinh mặc đồng phục.  Học sinh có gì mặc đó miễn tươm tất, gọn gàng là được nhưng bù lại học “sung” lắm. Mỗi giờ học là một giờ thú vị, là sự khám phá mới, hiểu biết mới. Môn học đầu tiên cực kỳ hấp dẫn là môn văn do thầy Tô Hồng Luân dạy. Thầy Luân quê ở Nam Định , người dong dỏng cao, đặc biệt khi giảng thầy ít khi đem theo giáo án nhưng thầy giảng cực kỳ hay, trong suy nghĩ của tôi thì gần như xuất thần. Mỗi giờ học của thầy trôi đi rất nhanh, bọn tôi như há hốc mồm ngồi nghe thầy giảng như muốn nuốt từng chữ, từng câu. Đã hơn 30 năm rồi mà tôi còn nhớ như vừa mới học ngày hôm qua những câu hỏi gợi ý của thầy: Tại sao lại lấy tựa đề “cây Khế” (trong câu chuyện phần Văn học dân gian) mà không lấy tựa đề là các cây có giá trị khác? Dụng ý của Nguyễn Trãi khi lấy tựa đề là “Bình Ngô đại cáo” sau khi thắng bọn xâm lược nhà Minh để bố cáo cho toàn dân biết mà không là “Bình Minh đại cáo” ? Thầy bắt bọn tôi học thuộc lòng bài này mà tới giờ tôi vẫn còn thuộc một đoạn. Sau này khi bọn tôi lên lớp 11 thì có thêm cô Hà về dạy môn Văn (sau này cô Hà lập gia đình cùng thầy Sơn – dạy toán. Nghe đâu thầy và cô đã chuyển về Nha Trang).

Kế đó phải kể đến môn Toán. Môn này do các thầy sau phụ trách: Thầy Tâm (được trường hợp đồng dạy khối lớp 10), thầy Tiến, thời gian sau có thêm thầy Trương Minh Thơ (quê ở Bạc Liêu), thầy Tiển Thập Thường (quê ở Tiền Giang) và thầy Sơn (từ Đại Học sư phạm Vinh về). Đầu năm lớp 10, môn toán gồm hai phần: Đại số và lượng giác. Lên lớp 11 có thêm phần giải tích và hình học không gian. Có lẽ là năng lượng còn dư hồi còn thi chuyển cấp (cấp II lên cấp III) nên bọn tôi  học  toán như  nhai “cớm”. Nhìn chung các thầy cô khá hài lòng về chuyện học của tụi tôi. Về tính cách thì thầy Thơ hay “giận” nhưng cực kỳ tình cảm, thầy Thường thì rất vui vẻ, tiết học của Thầy luôn tạo ra cho bọn tôi được sự phấn chấn. Thầy Sơn thì khá mô phạm nhưng hết lòng vì học trò. Về lực học của lứa bọn tôi thời đó có lẽ nổi trội hơn là Lê Công Tâm (10 B). Về môn văn thì khá nhất là Nguyễn Thị Kim Châu (10 A). Bạn Châu luôn là người được thầy Luân khen. Tôi còn nhớ là sau khi chấm bài kiểm tra học kỳ môn văn, thầy than rằng cả khối 10 hình như chỉ có một người biết viết văn mà thôi, còn lại  toàn là bài viết về chính trị và đạo đức. Khi bọn tôi lên lớp 11 thì thầy Luân không còn dạy ở THCL nữa mà chuyển về dạy ở huyện Châu Thành. Bọn tôi tiếc lắm nhưng mãi lo học vả lại thời đó đi lại rất khó khăn nên không tìm thăm thầy được. Cho đến hơn 30 năm sau tôi mới có dịp tìm gặp thầy, tôi có hỏi “Sao lúc đó thầy không ở lại THCL để dạy tụi con nữa ? Tụi con rất thích môn văn mà, rất “mê” thầy giảng Truyện Kiều cho tụi con!”. Thầy đượm buồn khẽ nói “ Lúc đó khó khăn quá con ạ!”.

Nói về môn Văn thì phải nhắc đến môn Sử. Về môn sử thì thầy Nhân phụ trách khối 10, còn cô Lê Ngọc Cân dạy khối các lớp 11 và 12. Có lần không có phòng học, hai lớp 10 D và 10 C phải dồn lại học chung, lại rơi vào tiết kiểm tra nên Thầy Nhân ra đề thi và cũng là lần đầu tiên cho học sinh mở sách làm bài (sau này gọi là đề mở). Đề thầy cho “dễ” như thế này thôi: “Nguyên nhân sâu xa và nguyên nhân trực tiếp của cuộc cách mạng tư sản Pháp 1789?”.  Ác liệt chưa! hãy nhớ rằng lúc đó bọn tôi chỉ mới trên dưới 16 tuổi, cái tuổi ăn chưa no lo chưa tới thì làm gì mà nghĩ ra được những cái nguyên nhân vượt khỏi biên giới Việt Nam để trả lời thầy hơn nữa thế nào là trực tiếp, thế nào là sâu xa!. Về môn địa do Thầy Lưu phụ trách. Thầy Lưu dáng nho nhã, phong lưu với mái tóc khá đẹp mang một chút chất nghệ sỹ. Thầy khá khó tính về cách ghi trong vở học và trình bày bài làm. Cách ghi tựa đề, các mục I. II la mã phải ghi sát bìa, phân tiết, nội dung ghi thụt vào trong để khi nhìn vào bài là biết rõ cấu trúc, các vấn đề lớn, như vậy nội dung sẽ nổi bật, người đọc sẽ nắm rõ hơn. Thầy luôn nhắc bọn tôi như vậy. Giờ Thầy Lưu đã đi xa rồi. (qua trang Web THCL tôi mới biết được tin này).

Môn Hóa khối 10 do thầy Khánh phụ trách (nhà thầy ở Long Thới). Tiết Hoá đầu tiên thầy Khánh dạy mà tôi nhớ tới bây giờ là cấu hình electron của nguyên tử. Các phân lớp được ghi bằng các chữ cái s, p, d, f . Nhắc đến đây thì không  thể  không nhắc đến thầy Minh Hồng. Thầy Hồng dạy lý khối 10 còn khối 11 do thầy Sỹ và thầy Thái phụ trách, khối 12 do thầy Tuấn dạy. Riêng tôi thì rất thích môn Toán nhưng môn Lý lại “ kết model” với mình hơn. Thế mà cho dù có nhiều cách giải các đề thi Lý, nhưng Tôi chưa bao giờ được thầy Minh Hồng cho điểm 10 vì các tật ẩu tả (ghi không đầy đủ đơn vị tính) và cái tính “Dế mèn” thích nộp bài sớm để lấy le với mấy bạn trong lớp. Còn thầy Tuấn thì luôn tạo ra các viễn cảnh khoa học, nào là các công ty ở nước ngoài họ giám sát công nhân bằng camera và màn hình tivi (xin nhớ rằng lúc đó là những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ XX), nào là người ta chế ra máy có vận tốc lớn hơn nhiều vận tốc ánh sáng. Cái máy đó nó bay vào không gian để chụp và ghi lại những hình ảnh của trái đất. Qua đó người ta sẽ biết được tất cả những gì đã xảy trên trái đất….Bọn tôi đứa nào cũng vừa “mắt chữ O, mồm chữ U” vừa thích thú khi nghe thầy nói.

Với môn Pháp văn, chúng tôi không thể quên được cô Hương, cô Phú. Các cô khá nghiêm khắc nhưng rất tâm huyết với nghề lại vô cùng thương yêu học trò. Thời bọn tôi học thì số học sinh đăng ký học môn Anh văn khá ít. Phần do thiếu giáo viên, phần lúc đó xã hội khá nhạy cảm và đất dụng võ của môn ngoại ngữ này khá hẹp. Không hiểu tại sao mà qua lớp 11, tôi lại lơ là môn học này, để rồi sau này phải học lại đuối luôn và giờ đây ước muốn được gặp lại các cô để nói lời xin lỗi cho sự lơ là này.

Đầu năm lớp 10 được học môn Sinh do cô Thu dạy (cô mới từ Đại học sư phạm TPHCM chuyển về). Nhớ lần cô giảng về thuyết tiến hóa của Darwin, có lien quan đến nguồn gốc của các loài, cô bảo học sinh sưu tầm các loài cây, con để minh hoạ cho tiết học thêm sinh động. Thế là tôi ra vườn nhà để gom các nhánh cây xoài (xoài thơm, xoài thanh ca, xoài tượng, xoài cát chu,,,) để làm nổi bật tính đa dạng của sinh vật, sau đó chở xuống trường cho cô. Thấy tôi chở một xe toàn là cành cây xoải um tùm y như bộ đội đi tập trận, cô cười xòa. Còn nhớ có lần được cô khen vì trả lời câu hỏi về nguồn gốc của các loài. Rồi như động viên, cô mĩm cười hài lòng và nhìn lâu vào tôi như gởi vào đó một vài kỳ vọng.  Không biết tôi có đáp lại được sự kỳ vọng đó hay không? Chỉ biết rằng khi lớn lên trong quá trình học tập, nghiên cứu, mỗi khi gặp khó khăn tôi lại nhớ lại kỷ niệm này để vượt qua và cố gắng đạt kết quả tốt hơn.

Đối với những người bạn cũ của tôi, không chỉ quen biết, kết bạn với những bạn cùng khối, các anh chị lớp trên cũng rất thân thiện và chỉ dẫn cho các em lớp dưới. Tôi còn nhớ khi tan học về, cùng chạy xe đạp trên đường, các anh như anh Nô thường trao đổi kinh nghiệm học tập, các câu hỏi của các thầy về một số môn học. Tôi còn được anh Trúc (Đoàn Thanh Trúc-12A) tặng cuốn sách về các đề thi Đại học các năm trước. Lúc đó sách học thêm rất ít nên được sách nào là chuyền tay nhau để học. Những buổi tối trực trường các anh lớp 12 thường vào trường ôn bài. Bọn tôi thường hay mon men đến để học kinh nghiệm. Thế là tôi được anh Võ Đông Hải (anh của Võ Văn Hiệu học cùng lớp với tôi) chỉ cho cách giải bài tính đạo hàm trong trường hợp biểu thức có chứa phần tử có số mũ, bằng cách lấy log hai vế. Khi đó, điều mà chúng tôi tự hào đồng thời đem lại sự tự tin cho bọn tôi khi biết tin anh Trương Văn Năng (học trên 2 lớp) thi đậu Đại học với tổng số điểm được xét đi học Liên xô. Không chỉ riêng anh Năng, cũng cần nói thêm rằng kết quả thi đậu Đại học của các anh Viên Chế Mãnh, Lê Quang Phước, Đoàn Thanh Trúc, Võ Đông Hải… đã khích lệ tinh thần học tập của bọn tôi nhiều lắm.

Dù thời gian học Trung học phổ thông (Cấp III) chỉ là 3 năm, không phải là quãng thời gian dài so với cả quá trình học tập và lớn lên của mỗi người nhưng cũng không quá ngắn để những đứa học trò bọn tôi có những kỷ niệm được lưu lại trong ký ức sâu lắng nhất. Có lẽ đó là thời kỳ mà người ta đã bắt đầu hiểu rõ hơn về tình thầy trò, tình bạn, đã biết ước mơ, hoài bão về tương lai. Đôi lúc, khi công tác ở các huyện vùng xa, trên đường đi ngang qua các em lớp lớn chạy xe đạp giờ tan học, được nhìn các em chuyện trò ríu rít, quấn quýt, sao như thấy hình bóng bọn tôi ngày xưa, lòng cảm thấy nao nao, ký ức như  ùa về, nhớ lắm thời đi học cấp III Trung học phổ thông Chợ Lách.

LĐK

Cựu học sinh THCL

H1                        Học trò cũ thăm thầy Thơ ngày 17/6/2017 tại Bạc Liêu

h  Thầy Tô Hồng Luân cùng Lương Minh tại chợ Tân Phú, Châu Thành( BT)

h3                                                         Tác giả LĐK

 

 

 

 

3 bình luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...
anh-chup-man-
CHUYỆN THI ĐỆ THẤT
Từ trường Nam tỉnh lỵ Vĩnh Long theo thầy Nam về Trường tiểu học Chợ Lách học lớp nhì (lớp 4). Năm đầu...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

438
NHÓM THCL ĐI VIẾNG NGÔ QUANG BỬU
Tối 22/4, nhóm Trung Hoc chợ lách ở Sài Gòn gồm thầy Nguyễn Khắc Minh, THanh Tùng. Phương Chi và Phương...
657
BỬU ƠI !
Bửu ra đi không là nổi bất ngờ với bạn bè. Cách đây hơn hai năm khi nhóm bạn bè Tống Phước Hiệp chuẩn...
CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 22
Lượt truy cập: