Trung Học Chợ Lách

CÓ MỘT NGƯỜI THẦY NHƯ THẾ

Ngày đăng: 11/02/2019, 8:00 chiều, ý kiến phản hồi (2)

Đây là bài viết của anh Lê Tấn Lực, cựu HS  lớp đệ thất (NK60 ) viết về ông thầy dạy tiểu học của mình ở xã Tân Thiềng. Qua bài này chúng ta thấy vì sao học trò mến mộ ông thầy và lương tâm của người giáo viên. Truyện thật 100 % do người thật kể  sẽ giúp chúng ta có cái nhìn về nền giáo dục hiện nay (LM)

Ông Tú tài Thông. đó là cách gọi quen của những cô bác lớn tuổi mỗi khi nhắc đến thầy, một cách gọi vừa thân thương vừa kính trọng . Chứ tên thật của thầy là Quách Văn Thông. Thầy không phải là người ở Tân Thiềng , nghe đâu quê hương của thầy ở tận Ngã Bảy – Phụng Hiệp-Hậu Giang, còn lý do tại sao thầy về đây sinh sống thì chúng tôi không biết, chỉ biết rằng thầy đang sở hữu và canh tác 100 công ruộng , một bầy trâu hơn 20 con để làm sức kéo. Cũng nên nói thêm ở quê tôi đất ruộng đa phần đều nằm trong tay các địa chủ hoặc của Nhà thờ, người nông dân phải thuê đất và nộp tô hàng năm. Gia đình nào có được 10 công ruộng thì được xem là khá giả lắm rồi, đàng nầy thầy lại có tới 100 công, quả là một tài sản kếch xù, dễ gì ai có được, nếu nói theo kiểu ngày nay thì thầy là một đại điền chủ .

Tôi được biết thầy vào năm 1955 , mãi đến hai năm sau tôi mới đươc làm học trò của thầy. Lúc đó thầy cũng không còn trẻ , chắc cũng trên dưới 40 , trên trán thấy lấp lánh mấy sợi tóc bạc. Trong ký ức tuối thơ của tôi thầy có hai hình ảnh tương phản rõ rệt, đó là khi thầy mặc bộ bà ba đen (mặc trên đường đi từ nhà đến trường) thầy không khác những nông dân chính thống,nhưng khi Thầy khoác vào bộ Âu phục cộng thêm chiếc cà vạt đỏ (các cà vạt của thầy đều có ít nhiều màu đỏ) thì thầy không thua kém bất cứ một vị trí thức nào . .

Thầy không cao, không thấp, làn da ngâm trông thầy cũng khá khỏe mạnh. Đặc biệt thầy có một giọng nói thật nhẹ nhàng và ấm áp. Khi gặp thầy , ai cũng nghĩ rằng thầy rất nghiêm khắc , nhưng khi tiếp xúc thường xuyên mới thấy thầy là người rất tình cảm và cũng rất hòa đồng .

NHỮNG HY SINH THẦM LẶNG CỦA THẦY.

Vào giữa năm 1955 ,quê tôi mới bắt đầu xây dựng trường học  ..Gọi là trường cho oai , chứ thật ra đây chỉ là một cái nhà 3 căn và không có chái , vật liệu là gỗ dừa (mót lại sau chiến tranh),nhà cất trên mảnh đất ở đầu vàm sông Cái Tre ,  bên ngoài là nhà việc của làng Tân Thiềng, kế tiếp là trường học, rồi đến là một chiếc cầu khỉ bắt ngang rạch Cái Tre và cuối cùng là tới chợ.

Nhà chia làm 3 phòng , mỗi căn là một phòng học (vách ngăn cũng bằng ván dừa) dành cho ba lớp (NĂM – TƯ –BA ).Thầy dạy lớp ba kiêm luôn chức Trưởng giáo .

Ngay những ngày mới khởi công xây dựng trường thì thầy đã có mặt và luôn hiện diện cho đến khi công trình hoàn tất. Hồi đó mỗi năm trên quận đều có tổ chức cho học sinh lớp BA  thi tuyển chọn học sinh giỏi để cấp học bổng . Kỳ thi đầu tiên gặp trở ngại  vì các anh vượt quá tuổi qui định, đến kỳ thi năm sau thì kết quả hết sức khả quan, tất cả hoc sinh trường Sơ Cấp Tân Thiềng đều đậu , đặc biệt có anh Ngô Văn Chúc chiếm danh vị thủ khoa. Rồi năm kế tiếp học trò của thầy cũng đậu với tỷ lệ khá cao ..

Đến năm 1957 thì tôi được lên lớp ba , và  thầy trực tiếp giảng dạy. Khi học hết lớp ba ,muốn lên lớp nhì thi phải lên quận , vì chỉ  ở trên quận mới có trường Tiểu Học, mới có lớp nhì . Mà hầu hết gia đình chúng tôi thì lại quá nghèo ,làm gì có điều  kiện để lên quận học , thôi thì xin với thầy cho học lại lớp ba thêm một năm nữa .

Trước tình cảnh nầy có lẽ thầy khổ tâm lắm ,nên thầy đã chạy vạy, xin xỏ , cuối cùng rồi  trên Ty tiểu học cũng cho thầy mở thêm lớp nhì,  đồng thời cử thầy Ngôn về phụ trách . Có một hình ảnh mà không bao giờ chúng tôi quên được, đó là hôm thầy Ngôn đếnhận lớp, chúng tôi đinh ninh sẽ học với ông thầy mới nầy, nhưng ngạc nhiên thay khi vào lớp , người chúng tôi gặp không phải thầy Ngôn mà là thầy. Thầy cho biết đã thỏa thuận với thầy Ngôn, thầy sẽ dạy chúng tôi và thầy Ngôn thì thay thầy dạy lớp ba , Tất cả chúng tôi mừng lắm , thầy cũng rất vui, luôn nói cười ,nhưng đôi mắt của thầy hình như đỏ và ươn ướt.  Ngôi nhà trước đây ngăn làm ba, nay ngăn lại làm bốn để cho đủ bốn lớp học (NĂM-TƯ-BA-NHÌ). Mỗi cái bàn lúc trước ngồi 4 người thì nay phải ngồi  6 người  và chúng tôi chịu chật chội như vậy cho hết năm học .

Lại có một tin không vui cho chúng tôi ,đó là Trường Tân Thiềng năm nay không được mở lớp nhất ,lý do là vì không đủ sĩ số ,mặc dù thầy hết sức cầu xin nhưng Ty Tiểu Học Vĩnh long vẫn không chấp thuận . Như vậy là đa số chúng tôi lại xin học lại lớp NHÌ một năm nữa , chỉ có 3 trong số 20 học sinh lớp nhì có đủ điều kiện để lên quận học tiếp .

May mắn thay có một số bạn ở trường khác xin chuyển về . Như vậy là đủ sĩ số và lớp Nhứt được mở trong sự hân hoan của mọi người , mà người vui nhất có lẻ là Thầy .

Việc mở lớp tạm ổn, nhưng khó khăn tiếp theo đó là học ở đâu vì ngôi nhà 3 căn đã ngăn làm 4 ,bây giờ không thể ngăn thành 5 đươc . Cuối cùng có một giải pháp tạm thời, đó là mượn văn phòng của đoàn thể ,để làm lớp học đở trong một tháng . Cấp trên cử về một giáo viên trẻ ,mới vừa tốt nghiệp trường Sư Phạm SG đó là thầy Võ Thanh Toàn và cũng là người Sài Gòn .

Chớp mắt mà thời hạn một tháng đã hết, đến lúc chúng tôi phải trả văn phòng lại..Lần nầy nhờ có chuẩn bị trước nên thầy trò tôi không gặp lúng túng , nghĩa là trong thời gian qua thầy cùng phụ huynh dùng lá để ngăn nhà lồng chợ Cái Tre thành một phòng học ,phòng hơi nhỏ nhưng cũng đủ cho 8 cái bàn học sinh, 1 cái bàn giáo viên và 1 tấm bảng đen .

Lại có một việc mà chúng tôi không thể không nhắc đến, đó là giấy khai sinh. Thành thật mà nói đa số phụ huynh ở đây khi cho con đi học là muốn cho con được biết chữ rồi sau đó sẽ trở về phụ việc đồng áng, còn cái việc học để tìm cơ hội thoát khỏi cảnh cùng khổ thì ít ai nghĩ tới , thành thử vấn đề giấy khai sinh chẳng mấy ai quan tâm , mà có quan tâm thì cũng không biết làm ở đâu vì ở thời kỳ chiến tranh, làng xã đóng ở nơi nào làm sao biết được  .Thầy cố gắng giải thích và động viên , cuối cùng phụ huynh đã hiểu và     đồng ý làm giấy khai sinh ,nhưng việc nầy không dễ chút nào, vì muốn làm phải lên Tòa án Vĩnh long .Đường đi từ Tân Thiềng lên tỉnh không xa lắm (khoảng 30 cây số ) nhưng phương tiện đâu có được như bây giờ, ba bốn hôm mới có một chuyến đò , bà con lại không rành đường đi nước bước ( thậm chí có người chưa biết tới Chợ lách nói chi là Vĩnh long ) .Như vậy là thầy phải chịu cực lên tận Tòa án xin mẫu đơn rồi về trường tập họp bà con lại, nhờ các học sinh có chữ viết đẹp để thầy hướng dẫn. Sau đó thầy mới gom lại và đích thân đem nộp Tòa án . Thương cho một số bạn học hành cũng khá ,nhưng vì quá nghèo không có 400 đồng để làm giấy khai sinh đồng nghĩa với việc không được tham dự kỳ thi vào lớp Đệ Thất năm đó .

Khi có lệnh của Tòa án triệu tập, thầy lại phải hướng dẫn phụ huynh đi Vĩnh long để hầuTòa và rồi mọi việc đều kết thúc tốt đẹp . Vài tháng sau thì chúng tôi được cấp một`giấy Thê vì Khai sinh . Từ nay thì chúng tôi an tâm , không phải lo lắng về hồ sơ xin thi Trung học nữa. Vậy là năm học cũng kết thúc và chúng tôi háo hức chờ đợi ngày thi . Tính từ ngày bãi trường đến ngày thi còn hơn một tháng.Trong thời gian nầy, thầy nhờ người lên trường học chở về 10 cái bàn và 1 tấm bảng đen,thầy dọn cái lẩm lúa tạm thời thành một lớp học để thầy hướng dẫn cho chúng tôi ôn tập và luyện thi . Thời khóa biểu  cũng giống y như khi thi vậy, tức là buổi sáng thầy  dạy  làm một bài luận văn , sau đó là 4 câu hỏi thường thức; nghỉ giải lao 20 phút rồi làm 2 bài toán.

Đó là ngày đầu, sang ngày thứ hai thì vất vả hơn vì phải hơn một giờ thầy mới trả xong những bài mà chúng tôi đã làm hôm trước, kèm theo những nhận xét và đánh giá cho từng bài  (Sau nầy khi hành nghề giáo viên thì tôi mới thực sự thông cảm ,với ngần ấy bài tập thầy  hải dùng cả buổi chiều và thức đến nửa đêm mới có thể chấm hết được ).

Viết đến đây thì không thể không nhắc tới một người, đó là Cô (vợ của thầy)Là một người nông dân chất phác nhưng Cô lại có tấm lòng bao dung hơn người ,không những cô luôn ủng hộ việc làm của thầy mà còn sẵn sàng hy sinh vì học trò của thầy nữa  .Hình ảnh quen thuộc mà chúng tôi bắt gặp hàng ngày là,  mỗi sáng cô thức dậy thật sớm rồi đi bộ hơn 5 cây số ra chợ Cái Mơn đến 8 giờ thì cô mới về đến, trên đầu cô đội cái thúng rất to (thúng giạ)trông có vẻ nặng nề  lắm ,phải có vài anh ra  phụ giúp mới hạ cái thúng xuống được ; nghỉ ngơi một chút rồi cô lại xăn tay vào bếp .

Khi làm xong 4 câu hỏi thường thức, thầy cho chúng tôi nghỉ 20 phút, cô mời chúng tôi dùng lót dạ để lấy sức mà học tiếp buổi chiều.Thường thì mỗi đứa một tô bánh canh giò heo hoặc một tô bì bún (bây giờ thì chúng tôi mới biết:vì những thứ nầy mà cô phải thức khuya dậy sớm,vượt đường xa ,nặng nhọc mang về để lo cho chúng  tôi .)Những hôm mưa gió không đi chợ được thì cô cho chúng tôi mỗi đứa một tô chè đậu xanh hoặc một tô cháo trắng ăn với đường tán ( trường hợp nầy rất ít xảy ra).

Và thầy cô đã dạy dỗ và chăm sóc cho chúng tôi suốt một thời gian dài ở đây và không lấy tiền. Và rồi ngày thi tuyển vào lớp  Đệ Thất cũng đến , chúng tôi khăn gói lên Vĩnh Long (vì Hội Đồng Thi mở ở đây ).Thầy cùng đi với chúng tôi để hướng dãn, động viên đồng thời giúp cho các bạn không có gia đình đi theo .

Lần đầu tiên được lên phố thị , nhìn người ta thì ăn mặc sang trọng , còn chúng tôi thì chỉ cái áo sơ mi trắng và cái quần xà lỏn đen ,đi chân đất ,không giấu được sự quê mùa , ngờ nghệch,chẳng khác gì những thằng ngáo. Cũng trong khoảng thời gian nầy, thầy tranh thủ đọc cho chúng tôi nghe những bài luận văn hay hoặc giải những bài toán khó mà thầy vừa sưu tầm được .

(còn tiếp)

Lê Tấn Lực

 

 

 

2 bình luận

  1. Tui rất thích đọc những bài viết kể về thời xa xưa như thế này. Câu chuyện xảy ra lúc tui còn chưa sinh ra đời nhưng mà đọc rất là thú vị.

    Bài viết dài chắc là mất nhiều thời gian để đánh máy.

    Cảm ơn tác giả Lê Tấn Lực nhiều lắm. (Chắc phải gọi bằng ông quá. Hihi)

  2. Trước hết tôi phải cám ơn anh Lực đã viết bài nầy để tưởng nhớ đến vị thầy đã có công khai hoá dân trí của xã Tân Thiềng một xã có thể nói nghèo nhất của quận Chợ Lách .Đọc bài viết của anh Lực mới thấy thời đó nếu không có một vị thầy có lòng như thầy Thông thì con em ở Tân Thiềng không dễ gì có một trường tiểu học để học và tiến lên sau nầy .Đọc hết bài của anh giúp tôi nhớ lại những ngày còn bé với những kỷ niệm không sao quên được .Cũng nên nói một chút ,anh Lực ngoài là bạn cùng lớp ,cùng tuổi , anh lại  có bà con với tôi, vai anh ,anh Sáu Lực ,nhưng hồi đó thì mầy tao thôi .Anh cao ráo đẹp trai ,có mái tóc giống mái tóc của TT Mỹ lúc đó là John F. Kennedy ,ca vọng cổ mùi như kép Tấn Tài ,hồi xưa tôi từng có ý nghĩ nếu anh có điều kiện theo nghiệp cầm ca có lẽ anh tiến rất xa .Trí nhớ anh còn rất tốt hầu hết đều chính xác dù đã hơn 60 năm rồi ,chỉ có một vài điểm có thể anh quên hoặc  không tham dự mà chỉ nghe nói nên viết sai ,đó là các kỳ thi học bổng cho học trò lớp BA mà hồi đó gọi là thi  “buộc ”    (bourse ,chữ Pháp ) được tổ chức hàng năm trên TỈNH chớ không phải QUẬN như anh viết .Có một điểm tôi rất thích thú và không ngờ anh còn nhớ là cuối năm lớp nhì vì không có lớp nhứt nên chỉ có 3 người lên Chợ Lách học lớp nhứt , tôi là một trong 3 người đó ,lên học trường Tiểu học Chợ Lách khoảng một tháng thì được gọi về Tân Thiềng học tiếp .Cũng nhớ lại là tôi quen với anh Nguyễn Văn Từ dịp nầy ,anh ở trường Hoà Nghĩa lên , để rồi một năm sau mới gặp lại khi 2 thằng đều đậu vào Đệ thất .

    Sau hết là một mơ ước của tôi ,nếu có điều kiện chúng ta lập một giải thưởng Quách Văn Thông để hàng năm trao giải thưởng xuất sắc cho một học sinh của Tân Thiềng để giúp đở tài chánh cho học sinh đó tiến xa hơn ,đó là cách để tưởng nhớ và biết ơn người đã có công khai hoá cho người dân Tân Thiềng nhiều thế hệ .

    Một lần nữa xin cám ơn anh Lực ,anh Sáu Lực .Cũng cám ơn anh Lương Minh và các bạn đã đọc .

    Nguyễn Văn Hương CHS/TH Chợ Lách .

     

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
hinh 3
THĂM ANH LÊ TẤN LỰC
Hôm về Chợ Lách nghe tin anh Lê Tấn Lực, CHS lớp đệ thất (NK1960) bị đột quỵ nên Lương Minh cùng với...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...
4322
LỚP ĐỆ THẤT NK69 HOP LẦN THỨ 8
Ngày 9/3/2024, Lớp đệ thất A1 NK : 1968-1869 đã có buổi họp bạn lần thứ 8 tại thị trần Chợ Lách, sau...
quan-chay-da-nang-1_1630824683
CHÚC MỪNG SINH NHẬT SONG THU
Ngày 10/3 là sinh nhật anh Lương Văn Thế, bút danh Song Thu, CHS trung học Chợ Lách. Anh là trưởng nhóm...

LỜI DẪN

Tin nhà

h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
h1
BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 9
Lượt truy cập: