Trung Học Chợ Lách

Hội Ngộ Thăm Thầy

Ngày đăng: 02/12/2016, 10:44 chiều, ý kiến phản hồi (2)

Cuối tháng tám là mùa tựu trường. Thành phố Houston mưa nắng thay phiên chế ngự không gian. Mưa nặng hạt làm cỏ cây tơi tả, đường ngập nước và khung trời xám đậm. Khi nắng nóng rang mặt vì hơi ẩm từ đất đá bốc lên sương khói. Cũng là lúc những cành điệp myrtle trắng đỏ hồng khoe sắc khắp các nẽo đường và sân nhà . Giữa vô lượng rừng hoa và biển nắng, tôi liên tưởng đến lần hội ngộ sắp đến với nhóm bạn học đệ thất, đệ lục xưa… tại thành phố Chicago để thăm thầy cô Trần Đắc Sương, người đã dạy dỗ chúng tôi hơn nửa thế kỹ trước. .

vedec Tự dưng khung xanh sân cỏ học đường, lối vào cửa lớp và những hàng phượng oằn sai hoa đỏ hiện rõ trong trí nhớ. Cảm giác bâng khuâng và nụ cười tuổi dại như còn vọng thanh âm. Ánh mắt năm nào liếc ngang dọc rồi bám vào các tà áo trắng, mái tóc nữ sinh như còn loang loáng giữa trời xanh mây trắng. Chuyện khởi đầu từ hai năm trước, khi nhóm bạn học Trung học Chợ Lách (Vĩnh Long) đi dự lễ cưới con gái của cặp Nguyễn văn Từ – Phạm thị Huệ. Lễ cưới tổ chức vào dịp Tết Tây tại thành phố Tampa, Florida. Nhóm học trò đến từ mấy tiểu bang khác nhau, cùng hội tụ về tư gia, cũng là “Tịnh Thất” của cựu Giáo Sư Nguyễn văn Hơn – Cô Phùng Thị Cúc tại thành phố Daytona Beach, cách Tampa chừng hơn hai giờ lái xe. Thầy Cô nghĩ hưu sớm để lo tu tập, đã trải nghiệm trường chay và kinh kệ hơn năm thập niên. Những ngày ở nhà Thầy Cô thật an lành như đang vào cõi Tịnh. Khuông viên nhà trang trí thoáng mát như ở thiền đường. Cô Cúc nấu lại món bún Huế chay ngon tuyệt mà tụi tôi từng thưởng thức khi thầy cô còn ở tại tiểu bang Maryland mấy thập niên trước. Chính những kỷ niệm thân thương mà thầy cô giành cho chúng tôi, những đứa học trò ngày cũ, khiến nhóm bạn học nghĩ đến chuyện cùng nhau họp mặt tại các thành phố của quý vị giáo sư đang ở, để thăm viếng, chúc tụng, nhắc lại những kỷ niệm xưa và tạo thêm…chút miên trường để nhớ. Dĩ nhiên sự thành tâm sẽ thay lời tri ân sâu sắt nhất của học trò đối với công ơn dạy dỗ của “người Cha thứ hai” trong nhiệm vụ đào tạo lớp thiếu niên nam nữ nên người hữu dụng mai sau.
Trường Trung học Chợ Lách trong những năm 1960, 1961 bắt đầu khai giảng chỉ có hai phòng học, năm sau xây thêm hai phòng nữa. Các giáo sư có thầy Lê Văn Hòa làm Hiệu Trưởng, hai thầy Trịnh văn Thọ và Bùi Hữu Thêm phụ trách các môn. Năm sau thầy Thành rồi đến thầy Thưởng lên thay. Quý thầy cô lần lượt về trường gồm cô Nghiệp, cô Tuyết, thầy Hơn, thầy Sương, thầy Thọ Phan, thầy Cửu, thầy Cầm, thầy Khiêm…và thầy Chỏi làm giám thị. Cách nay hai năm tôi có liên lạc được với cô Nghiệp. Cô đang ở nhà con gái Út, thuộc quận 7, Sài gòn. Rất may Cô còn nhớ nhóm chúng tôi ở trọ gần nhà Võ Văn Do, qua khỏi nhà trọ của anh Bổn ( Cả hai bạn đã quá vãng). Tôi ngỏ ý” lần tới về Việt Nam em sẽ đến thăm cô”. Cô Nghiệp nói “giờ cô già, xấu lắm, thị lực kém nữa. Cô đùa là “để tụi em giữ hình ảnh đẹp thuở nào có phải hơn không!” Cô kể tôi nghe nỗi khổ của Cô và cô Tuyết hồi trước vì trường chưa có phòng vệ sinh nữ. Hai cô đi dạy mà không dám uống nước… Tôi quên hỏi mấy cô bạn nữ sinh “tiểu gửi” ở mô? Chính ra tôi có hỏi vài bạn mà các bạn không nhớ phải làm sao? Bọn con trai thì tôi biết rồi! Phía sau trường là cả một vườn chuối bao la! Mà bụi chuối nào không là “ nhà xí” chứ!
Người đẹp Phạm thị Huệ với phụ tá Nguyễn văn Từ ở thành phố Philadelphia là nhà dìu dắt, lên kế hoạch, liên lạc với thầy cô Trần Đắc Sương cũng như nhóm bạn học từ các tiểu bang ở Mỹ và Canada. Các cựu học sinh đều ở tuổi hưu, nhưng nhiều bạn còn phải lo chăm sóc cháu nội, cháu ngoại. Có bạn phải lo cho cha mẹ đang thời kỳ quên trước quên sau…nên chuyện” hội ngộ thăm fhầy” tưởng dễ mà kể cũng khó…Chị Huệ tâm sự là trong khi anh chị và nhóm học trò cố tìm cách đưa thầy Thọ Trịnh qua Mỹ trị bịnh. Thầy có nói “ hoài bảo của Thầy là muốn gặp lại những học trò ở Trung học Chợ Lách, rồi có chết Thầy cũng vui…”. Từ – Huệ có về Vĩnh Long tổ chức tiệc họp mặt mấy chục cô cậu học trò hai lớp đầu tiên và mời thầy Thọ vào ghế vinh dự “ Sư Phụ”. Ngậm ngùi thay, mà cũng an ủi thay, năm sau thầy mất ! Từ đó chị Huệ luôn tìm cách thăm viếng quý thầy cô và chị cũng là người chuyên lo quà cáp lưu niệm.
Tụi tôi hẹn gặp nhau tại phi trường Quốc tế O’Hare ( tên của vị Anh hùng phi công Đệ nhị thế chiến), thành phố Gió Chicago trước 12 giờ trưa ngày thứ ba, 23 tháng 8, 2016. Nhóm gồm có Hương từ Atlanta, GA; Lợi từ Alabama; Tông từ Texas; Từ , Huệ và Chị Lệ từ Phila; Chị Ái Linh từ Boston, MA . Chị Ái Linh đến sớm nhất ở Terminal #3. Tôi cũng đến cùng ga nhưng phải mất khá nhiều thời gian đi tìm mới gặp chị vì hình ảnh học trò năm xưa đã bị thời gian già nua kéo mình, làm nhăn nheo tuổi trẻ…Tôi mời chị Ái Linh vào Star-Buck điểm tăm, uống cà phê nói chuyện sức khoẻ, gia đình, con cháu một hồi thì thấy Hương kéo va-li con, ngó dáo dát đâu đâu trong khi tụi tôi chỉ cách nhau chừng 2 thước…Hương nhập bọn , chưa uống hết tách cà phê thì thầy Trần Đắc Sương và đệ tử đẹp trai Trần Đ. Duy đến. Thật là ngỡ ngàng… Thầy trò tóc bạc như nhau…ôm nhau mừng quýnh. Xem ra Thầy còn nhiều phong độ dù tuổi đã ngoài tám mươi! Tiếng nói và cung cách vẫn như 52 năm trước trong khi nhóm bạn học trò già thấy rõ! Gần trưa thì đôi Huệ – Từ và chị Lệ đến. Chị Lệ không khác xưa nhiều dù mới xuống tóc, ăn chay tháng 7 Vu Lan. Chúng tôi chia là 2 nhóm, phân nửa theo thầy và Duy về nhà trước; Hương, Lợi và tôi đi mướn cái minivan…Quanh quẩn phi trường và tài xế máy bay, thợ lái là nghề của tui !
Thầy Sương hiện đang chung nhà với vợ chồng kỹ sư Duy, con trai và dâu Út. Nhà cửa rất khang trang, nghe nói mua cũng gần bốn trăm ngàn đô. Sự ân cần tiếp đón của thầy cô và gia đình khiến nhóm học trò có cảm tưởng như mình là người trong nhà từ bao năm qua. Hôm nay cả gia đình trừ chàng rễ, cũng tên Duy đều nghĩ việc, ở nhà nấu nướng nhiều món ngon đặc biệt miền Nam để đãi khách phương xa…Ngoài cô Ngọc, con gái rất giống thầy, còn có hai cháu nội, ngoại gái rất xinh xắn. Đứa mới học mẫu giáo; đứa kia học cấp hai. Chúng tôi đặc biệt quý trọng cô với nét hiền từ của bà mẹ Việt Nam. Cô săn sóc từng đứa giống như các con đi làm ăn xa mới về. Cô lấy thêm thức ăn, nước uống cho từng đứa. Thầy Sương và bọn học trò nhắc lại rất nhiều chuyện của một thời thầy trò ở học đường, thời binh lửa tiếp theo, thời tù tội từ Nam ra Bắc. Tôi rất ngạc nhiên là trí nhớ của thầy còn tốt hơn học trò. Thầy điểm danh những cô cậu học trò xưa và hỏi thăm sức khoẻ nhiều đứa mà tôi cũng không còn nhớ. Dịp này chị Huệ đem danh sách cựu học sinh lớp đầu tiên và đọc cho thầy nghe. Tính tình thầy Sương hiền hoà và thương học trò, nhất là mấy đứa chăm chỉ học hành như bọn tôi. Trong ký ức tôi còn lại vài buổi trưa Thầy ghé nhà trọ thăm tôi, anh Sâm, anh Tấn, sát bên nhà anh Do. Do là con một, nhà có vườn dừa rộng cả mẫu đất, anh học hành giỏi và leo cây thiện nghệ. Do chặt cả buồn dừa vừa đúng lứa ngon cơm để đãi Thầy và bạn bè. Đôi khi tụi tôi đạp xe cùng Thầy Sương dọc theo bờ kinh Chợ Lách về hướng đình Tân Phú bên bờ Sông Tiền, ghé thăm bạn Hoa và em Mười (về sau Mười là vợ của anh Do) . Ba Má của Hoa rất hiếu khách. Hai Bác cho chúng tôi thưởng thức món chuối nấu quết chung với trái chùm ruột .Có khi là khoai mì luộc… Toàn cây nhà lá vườn…Trước cửa nhà bạn Hoa là nhà cô Tám Xuyến. Cô rất đẹp, chắc phải để ý đến quý thầy. Không biết có vị nào trả lễ chăng? Điều làm tôi đau tê dại mỗi khi nhắc đến là trong số các bạn thân thiết, gần gũi này, nhiều đứa ra đi quá sớm vì chiến tranh. Tôi du học bên Mỹ chỉ hai năm. Khi trở về thì Do, Lập, Tâm, Hà (là những bạn từng ở chung nhà đi học) đã bị súng đạn vô tình đưa về bên kia thế giới. Thầy Sương rất xúc động khi nhớ đến những đứa học trò, những đệ tử, bạn bè đã vĩnh viễn ra đi trong và sau cuộc chiến. Hơn nửa thế kỹ biển dâu, nhà tan cửa nát, gia đình ly tán, bạn bè mỗi đứa một phương trời. Giờ gặp nhau đây chỉ nên giữ lại niềm vui. Choàng tay thương yêu lên bờ vai thông cảm. Có những suy tư ta không thể tỏ bày cùng người khác. Ví như một lời thơ đi vào mỗi lòng người nỗi giao cảm khác nhau. Chúng tôi ăn uống, rong chơi kỷ niệm ở nhà Thầy Sương cho đến khi trời tối mịt mới tìm đường về khách sạn Holiday Inn cách nhà Thầy hai mươi phút lái xe. Phòng do Cô con gái Út của đôi Từ – Huệ giành sẳn làm quà biếu mấy chú bác, bạn của Ba Mẹ. Cám ơn cháu Hạnh -Thi và phu quân Minh- Phương. Một lần nữa mấy cô chú chúc “Vợ chồng” trăm năm hạnh phúc. Ký nhận phòng, tắm rữa xong, nhóm gõ cửa phòng của Từ – Huệ để tán dóc tiếp cho đến hơn nửa khuya mới chịu về phòng riêng “ngái ngủ”! Dù ngủ không đành!
Tôi còn có thầy Đỗ Viết Cửu và cô Tâm hiện cư ngụ cách nhà Thầy Sương chừng non hai giờ lái xe. Thầy Cửu dạy Việt văn ở trung học Chợ Lách và Đại học Cần Thơ. Tiếc rằng thầy cô phải bay sang thăm con bên New York, rồi cùng lái xe qua Toronto thăm chị của Cô Tâm đang bệnh, nên chúng tôi không thể gặp lại. Qua điện thoại thầy cô vẫn còn chất giọng trẻ trung và hoa văn thì khỏi phải nói…
Sáng hôm sau cả bọn ăn sáng tại khách sạn. Cùng nhau lên minivan đưa Hương ra phi trường để về lại Atlanta, vì bà chủ nhà hàng Nam Phương nhớ ông chủ quá trời rồi! Đỗ thừa là nhà hàng thiếu người làm cashier! Theo lịch trình chúng tôi định mời Thầy Cô và gia đình một bữa cơm ở nhà hàng, nhưng Thầy yếu bao tử, đang trị liệu nên từ chối và biểu bọn tôi phải trở lại ăn cơm chiều. Biết trong nhóm có chị Lệ và chị Ái Linh ăn chay, nên buổi trưa tôi ghé ngang tiệm ăn Sweet Tomatoes để nhóm tha hồ làm sâu xơi rau củ.
Chúng tôi trở lại nhà Thầy Cô. Kỹ sư Duy đã chuẩn bị sẵn thức ăn nhẹ, kẹo bánh và nước lọc. Y như một hướng dẫn viên chuyên nghiệp đưa chúng tôi đi ngắm cảnh Chicago. Cá nhân tôi đã đến Chicago hai lần rồi. Nhưng vì công việc sở nên không có nhiều thời gian du hí. Sự choáng ngợp đầu tiên của du khách là các công viên ngút ngàn và biển hồ bát ngát. Rừng và biển là hai thực thể đối nghịch nhưng có mối giao tình. Cây rừng vi vu, sóng biển dạt dào cũng chỉ vì phải lòng ngọn gió…Cả hai thể hiện thiên nhiên, sóng trắng của mây và cây xanh của đất trời. Ta thấy ta nhỏ bé như cát bụi lưu vong. Thả lòng bềnh bồng trên biển cây và rừng nước…Tây phương quả có khác! Biển lồng lộng gió, nhiều cánh buồm rải rác gần xa. Du thuyền bỏ neo chật bến đậu. Hải âu chở nắng lượn lưng trời. Khu vực uptown “tấc đất tấc vàng” mà thành phố dành diện tích rộng lớn dọc theo bờ biển hồ cho cây xanh và hoa kiển. Du khách đi “vắt giò lên cổ” cũng chưa hết công viên. Những kiến trúc “stainless Steel” có phần vượt trội. Con “bug” khổng lồ, cây cầu vòng cung vắt ngang đường chính dẫn tới rạp hát lộ thiên có bố cục ăn khớp, tạo cảm giác lạ như cố ý đưa du khách lạc vào cõi “metal field”. “Hạt đậu” phản chiếu vĩ đại cũng thu hút số đông du khách đến chụp hình. Con đường chính tiếp giáp công viên cũng là mặt tiền của các cửa hàng cao cấp, khách sạn Trump, khu phố cổ Water Tower. Duy có ý đưa chúng tôi thăm Viện Bảo tàng và khu Chợ Á Đông. Em mô tả sơ qua những trang trí, quang cảnh. Chúng tôi thấy thời giờ chung vui với Thầy Cô và gia đình quan trọng hơn nên đề nghị về lại nhà.
Vào phòng gia đình của thầy Sương, chúng tôi thấy cô và các em đã chuẩn bị sẵn nhiều thức ăn, vừa nấu nướng ở nhà vừa mua thêm từ đâu đó. Món mặn rất nhiều, thức ăn chay cũng lắm. Gia đình Thầy Cô thật chu đáo làm mấy đứa học trò hơi ái ngại. Thầy khui beer cho mấy cậu, Cô rót nước trái cây cho mấy cô. Chúng tôi được cưng quá nên ăn uống thả giàn mà tiêu thụ chưa đến phân nửa các món ngon “Miền Tây” trên bàn ăn. Thầy ngồi đầu bàn có vẻ trầm ngâm, chắc đang nghĩ rằng chút nữa đây nhóm học trò của Thầy sẽ rời xa nơi này và ngày mai… thật là vô định. Cám ơn Thầy Cô và gia đình cho bọn học trò “tứ xứ” một tụ điểm đầm ấm để trở về! Thầy Cô quê quán ở Sa- Đéc, thuở nhỏ thầy có học ở Trà Vinh. Trong quân đội giữ chức vụ khá lớn ở quận Tri Tôn. Thầy dạy ở trung học Sa Đéc nhiều năm và sau 75 cũng học tập nhiều nơi. Ước gì cuộc hội ngộ này xãy ra ở Vĩnh long hay Sa Đéc trong bối cảnh đất nước thanh bình. Làm sao thầy trò “tóc trắng như vôi” cùng có dịp về ngang sông Tiền, sông Hậu để gửi tâm tư theo cánh lục bình, hát ca dao Mẹ, ca mùi sáu câu vọng cổ…và nhắc chuyện Trường xưa của một thời tưởng như trong tiền kiếp!
Học trò khắp nơi cùng bay về đây. Hơn năm thập niên, hội ngộ thăm Thầy. Thầy ngoài tám mươi, tuổi Cô bảy chín. Dáng vẽ hiền từ tóc trắng như mây.
Thầy nheo đôi mắt xúc cảm tràn dâng. Nói vấp đôi lời, nghèn nghẹn mấy lần. Kể chuyện trường xưa, nhắc tên trò cũ. Phần Cô nhân ái thể hiện tình thân.
Nhóm học trò tuổi trên dưới bảy mươi. Gặp nhau mày tao… rộn rã nói cười. Tóc bạc cánh cò, thâm niên tuổi hạc. Thầy trò gặp nhau… ngơ ngác bên trời.
Thầy muốn học trò ăn uống tại nhà. Con, dâu nghỉ làm, tiếp bạn miền xa. Rể, cháu vui tươi khôi ngô xinh xắn. Gia đình hạnh phúc,trên dưới thuận hoà.
Kính mừng Thầy Cô tự tại an nhiên. Như giòng phù sa nước chảy thật hiền. Sông rạch miền Tây, đồng quê thương nhớ. Tình người trong mắt, ánh mắt thôi miên.
Thầy trò bịn rịn chiều nay chia tay. Hoàng hôn mưa bay nước mắt làm đầy. Thầy dạy học trò tình người, tri thức. Nửa thế kỹ đời…rưng rức trời mây.

Phạm Tương Như,
Kính tặng Thầy Cô Trần Đắc Sương và gia đình
cũng để tặng Từ & Huệ, Ái Linh, Lệ, Hương, Lợi…

h2

h3H3

2 bình luận

  1. Đọc bài viết của anh Tông thật tràn đầy xúc cảm, các anh chị thật hạnh phúc quá đi, ở tận phương trời xa xôi ấy, được gặp lại thầy cô. Tụi em ở đây mấy mươi năm mới lại được gặp thầy Sương chỉ có một lần, có lẽ lần đầu và cũng là lần cuối vì thầy nay tuổi đẫ cao, chắc không tiện về lại VN lần nữa. Chúc cácanh, các chị thường xuyên đến thăm thầy, em gởi lời qua mạng kính thăm thầy cô và chúc sức khỏe thầy cô.

  2. Chào Dượng Minh, Hoa Đăng và các bạn,

    Cám ơn đăng bài Bút ký. Đúng như Hoa Đăng nói . Được cơ hội thăm quý Thầy Cô là môt hạnh phúc. Tụi này mới thăm được Thầy Hơn và Cô Cúc, Thầy Cô Trần Đắc Sương, Sắp tới dự định thăm Thầy Thành đang ở Cali.

    Trong nhóm có Tông, Hương và Huệ là trẻ nhất, Tết này mới đủ 70… hahaha.  Coi vậy chứ khó có dịp gặp lại quý Thầy vì đủ thứ hoàn cảnh. Thỉnh thoảng Thầy trò gọi điện thoại nói chuyện. Hằng năm Tông có gửi Báo Xuân Phù Sa Sông Cửu đến quý Thầy như còn giữ nhịp cầu …tình nghĩa. Tông sẽ gửi tấm hình chụp trước nhà Thầy Sương để các bạn thấy… mấy ông bà già còn ham dzui,  cười híp mắt…

    Thân mến chúc BBT và các bạn luôn an vui và thành công

    Phạm văn Tông

    CHS Trung Học Chợ Lách

Trả lời HOA ĐĂNG Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...
4322
LỚP ĐỆ THẤT NK69 HOP LẦN THỨ 8
Ngày 9/3/2024, Lớp đệ thất A1 NK : 1968-1869 đã có buổi họp bạn lần thứ 8 tại thị trần Chợ Lách, sau...
quan-chay-da-nang-1_1630824683
CHÚC MỪNG SINH NHẬT SONG THU
Ngày 10/3 là sinh nhật anh Lương Văn Thế, bút danh Song Thu, CHS trung học Chợ Lách. Anh là trưởng nhóm...

LỜI DẪN

Tin nhà

h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
h1
BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 10
Lượt truy cập: