Trung Học Chợ Lách

Theo chị về làm dâu Chợ Lách

Ngày đăng: 19/08/2014, 6:32 chiều, ý kiến phản hồi (18)

     Huyện Chợ Lách, vùng đất phù sa nằm giữa sông Cổ Chiên và sông Hàm Luông, mọi người biết đến đây là một vùng đất phù sa, cây cối xanh tươi quanh năm. hoa màu tươi tốt; còn đối với tôi là một nơi có nhiều kỷ niệm của một thời thơ ấu. Chợ Lách tôi yêu mến nó như quê hương sinh ra tôi vẫn mãi nhớ đến bây giờ, tôi vẫn còn nhớ.

Đây là câu chuyện dài dòng của thuở còn bé để lại trong tâm trí tôi những hình đẹp của thời thơ ấu.“ Chợ Lách” cái tên rất thân thương tôi đã yêu mến nó như quê hương sinh ra tôi, nơi ấy có người anh, những người chị tôi vô cùng thương mến.

Tôi được lớn lên vùng đồng ruộng đất Mỹ An, con của một gia đình nông dân làm ruộng và có nhiều anh em. Khác với những chị gái trong làng phải vất vả ngoài đồng ruộng, tay lắm chân bùn mặt mài sặm nắng, hai chị lớn của tôi làm nghề thợ may ở trong mát mặc áo đẹp, nên trở thành những bông hoa kiều diễm của miệt vườn, không biết bao nhiêu chàng trai chung quanh xóm làng để mắt đến. Chị lớn nhất mới lớn lên thì lập gia đình, chị lớn kế thấy cảnh chị em phải xa nhau nên cương quyết sống độc thân để ở bên cha mẹ và các em. Chị kế này là một thanh nữ có số đào hoa, thanh niên đầu trên xóm dưới và những xã lân cận liên tục đến cầu hôn; chị luôn từ chối và không muốn gặp gở bất cứ một ai. Bà nội cho rằng con gái có một thời, để mất cơ hội sau nầy bị ế, lúc đó có muốn chồng cũng không tìm đâu được, nên dùng mọi cách tạo áp lực lên cha mẹ phải để cho người ta đến coi mắt xem mặt. Mỗi lần người ta xem mắt đều mang quà đến tặng, mỗi lần như vậy chị tôi phải mang quà trả lợi để không mắc nợ đồng thời chị cũng cho đàn trai biết là chị không bằng lòng.  

             

   Trời xuôi đất khiến có một anh theo mai mối đến xem mắt và tặng hai phần quà vô cùng quý giá. Thông thường chị tôi mang quà trả lại; nhưng lần nầy hỏi ra thì mới biết gia đình của anh ấy ở Sơn Định, Chợ Lách, cách xa nơi tôi ở bằng con sông cái lớn, chị tôi không cách nào trả lại cho được. Tuy không trả quà thà mang nợ chớ chị tôi cương quyết không ưng thuận; để làm nản lòng gia đình anh ấy, mỗi lần gia đình anh đến thăm, chị bế một em bé giống như bế con của mình, đi qua đi lại cho gia đình anh thấy, rồi bỏ nhà đi vào xóm trong không tiếp khách. Không biết lý do sao gia đình ảnh không nản lòng mà thường thăm viếng, có một lần gia đình của anh đến nhà tôi nhằm lúc cũng có người bà con ở xa đến thăm phải làm tiệc đải khách, thấy gia đình anh ấy đến chị tôi liền bỏ đi, đang lúc gia đình đơn chiếc thiếu người, anh ấy nhào vô làm mọi thứ, anh thấy không ai nấu cơm, anh bèn tìm nồi, tìm gạo rồi nấu cơm. Sau buổi đó bà con lối xóm lẫn trong nhà ai cũng ủng hộ anh ấy, bây giờ chỉ còn chị tôi đơn thân độc mã chống đối cuộc hôn nhân nầy, đương nhiên sự chống đối ấy chẳng đến đâu.

Sau đám cưới ba ngày trở lại, vừa bước vô nhà chị tôi khóc như mưa trước mặt rất đông người, chị tôi không chịu nổi nhớ nhà, nhớ các em, viết đến đây tôi cảm thấy thương cho những cô gái Việt Nam vì hoàn cảnh mà phải đi lấy chồng Đài Loan hay Hàn Quốc xa gia đình, lúc đó thương nhớ người thân biết là bao. Trở lại nhà chị cứ ôm tôi mà khóc rất nhiều, chị bảo chị nhớ tôi nhất, chị muốn tôi đi với chị về bên nhà chồng của chỉ, tôi cũng rất thương và nhớ chị và đồng ý theo chị. Gia đình hai bên nghe theo yêu cầu của chị liền cho tôi đi theo. Thế là tôi đã đến Sơn Định, Chợ Lách trong câu chuyện lạ lùng “ Đi theo chị khi chị lấy chồng” khó mà ai tin được.

Tôi đến Sơn Định hình ảnh mãi bây giờ tôi không quên được là mận chín rụng đây sân trong khi bên quê tôi mận mới chuyển mình thì không còn, chỉ còn bông và mận non, vị chúng tôi có rất nhiều anh em con của các chú các cô cùng nhau sống. Đến Sơn Định ngày thứ hai được chị Út, em chồng của chị tôi đưa đi mua đôi dép Nhật ở tại chợ huyện, ở quê tôi thời đó ít có ai có được đôi dép chớ đừng nói chi thằng bé nhỏ như tôi.

Tôi ở vài ngày nhớ nhà quá, thì mẹ tôi cũng đến rước về. Chuyện tôi theo chị về nhà chồng sau ngày mở mâm trầu bị bà con góp ý, phê bình, mẹ tôi cũng biết nhưng chịu không nổi khi chi khóc lóc năn nỉ. Tôi vừa về đến nhà nhiều người cứ theo hỏi, tối tôi ngủ với ai, hồi đó tôi đâu có biết tại sao hỏi như vậy, bây giờ nhớ lại thật tức cười. Tôi về nhà khoãng nửa tháng thì anh chị tôi qua nhà năn nỉ dụ dỗ tôi đủ điều để tôi theo anh chi trở lại nhà anh rể. Nhờ vậy tôi cứ đến Chợ Lách thường xuyên, đôi khi ở vài ba ngày, đôi khi ở vài tháng. Gia đình chồng chị tôi có nhiều ruộng vườn ở cầu đò Vỉnh Bình, đường qua cồn Phú Đa, do vậy tôi cũng thường đến những vùng đất nầy. Một điều mà tôi không quên được là gia đình bên chồng chị tôi thương yêu tôi lắm và cho nhiều món ăn là lạ mà vùng quê tôi không có. Lần đầu tiên tôi ăn lạp xưởng, ăn chocolate và rất là sung sướng khi mỗi buổi sáng ăn được ăn bánh tây, tôi thật có nhiều hồi ức đẹp trên vùng đất nầy, đặc biệt những lần được anh rể cổng trên vai đi xem hát.

  Một điều mãi đến bây giờ tôi vẫn không biết có phải đàn ông huyện Chợ Lách yêu thương chăm sóc cho vợ mình là truyền thống không ( nhờ anh Lương Minh, anh Quách Đào, anh Lộc trả lời dùm), hay anh rễ tôi là trường hợp ngoại lệ. Tôi nhớ anh rể, sau cưới chị tôi về, anh ấy rất là yêu thương vợ, anh tôi lo lắn chăm sóc cho chị tôi thật là tỉ mỉ, công việc nào nặng anh tôi gánh vác hết, cả những việc trong nhà đều phụ chị tôi, chị tôi nấu cơm thì anh dọn chén, tối ngủ một tay anh tôi giăng mùng, một điều đáng lẽ không nên nói ra ở đây, nhưng nghĩ cũng là điều hay và vui nên kể luôn, tôi nhớ rõ anh rễ tôi luôn tắm cho vợ. Khi có người yêu tôi kể cho nàng nghe, nàng nhìn tôi bằng con mắt lạ, chắc nàng sợ tôi sẽ tắm cho nàng lúc thành chồng vợ nên bỏ tôi mà đi. Đến bây giờ anh tôi đã lớn tuổi vẫn thương yêu và chăm sóc cho chị tôi, khi chị cần điều gì anh sẽ làm ngay và làm rất là vui vẻ. Chị tôi thích ca hát thì anh đi mua một dàn caraoké, chị tôi muốn ăn xoài chấm mắm đường thì chính anh là người làm mắm đường sau khi ra vườn hái xoài.

Nhiều phụ nữ VN cứ ca ngợi đàn ông ngoại quốc ga lăng, chăm lo cho vợ; nhưng đâu biết nhiều đàn ông VN cũng chăm sóc, chia sẽ những khó khăn cho vợ như anh tôi. Chợ Lách còn nhiều kỹ trong thời thơ ấu, tôi viết lại một phần như để cám ơn vùng đất nầy, cám ơn anh rễ và và đình của anh, cũng viết để tặng chị Thanh Nhi, chị Ngọc Thu và những người con Chợ Lách.

Võ Châu Phương

 

18 bình luận

  1. Ông Võ Châu Phương ơi là ông Võ Châu Phương,

    Chắc tui chết quá! Tui nín thở đọc một lèo bài viết của ông. Vừa đọc vừa tự hỏi, không biết tay nào vậy cà. Cái giọng cà tửng, cà tửng độc địa lắm nhe. Ông cố viết theo cách nầy. Hay lắm. ( Đêm nay vô mùng tui sẽ mở máy, đọc lại cái đoạn đàn ông Chợ lách thương vợ và thường xuyên tắm cho vợ của ông, để mà…học tập ). Chắc tui chết quá. Bớ chị Thanh Nhi ơi, cứu bồ.

    1. Kêu trời cái gì ! Nếu trước đây chưa làm thì bi giờ thực hiện. Từ đây đến 90 tuổi , còn 30 năm. Ngày mai ra chợ mua cục xà bông thơm Cô Ba đem dìa và  chứng tỏ mình là đàn ông Chợ lách.

  2. Dà! Ông Lương Minh dạy chí phải. Ngồi mà tiếc nuối thì có ích gì. Tốt hơn hết là làm ngay việc phải làm, đừng để mất thì giờ nữa. Tui nhớ hồi xưa, ông Mười Lộc có lòng tốt đã chỉ biểu cho tui cái vụ nầy. Thì ra ổng sợ tui, tuy mang tiếng là dân Chợ Lách nhưng sống ở Chợ Lách không nhiều, có thể không biết nét văn hóa tươi đẹp nầy của đàn ông Chợ Lách. Anh Mười ơi, em vô cùng ân hận không để ý lời anh truyền dạy, bây giờ mới biết ra! Trong cái vụ tắm nầy, về mặt kỷ thuật còn gì nữa hông, anh chỉ hết cho em nha. Em cám ơn anh nhiều.

  3. Anh Luong Minh ơi ! Tôi không sinh ra ở Chợ Lách, nhưng về trường THCL  từ năm 1977, ở đó uống nước sông Chợ Lách hơn 5 năm vậy có được xem là dân Chợ lách không ?

    1. Về mặt pháp lý thầy không phải là dân Chợ lách, nhưng thực tế thầy uống nước ở xứ sở này, ăn gạo ở đây thì thầy là dân Chợ Lách rồi. Trường hợp của thầy, nhìn nhân thân người ta cũng biết là dân Lách rồi, cần gì phải hỏi

  4. Một bất ngờ thú vị khi thấy Võ Châu Phương xuất hiện ở trang THCL với bài THEO CHỊ VỀ LÀM DÂU CHỢ LÁCH, mới đọc tựa bài tôi cứ nghĩ là cô nào đó viết, nhưng À thì ra V C P, lại được nghe giới thiệu là dân Mỹ An, sao ngay chóc vậy ta. Bẽn bắt chước anh Quách Đào gọi: VÕ CHÂU PHƯƠNG  ơi là VÕ CHÂU PHƯƠNG , chị Hoa cũng ở Mỹ An, học từ lớp năm tới lớp nhứt ở Mỹ An, thiếu tuổi thi nên về Bình hòa phước học thêm một năm nữa mới thi vô đệ thất THCL..Chợ Lách đối với chị cũng có quá nhiều kĩ niệm nhưng không nhớ liên tuc, muốn kể cũng không thành văn nỗi.Nếu thật quê VCP ở MỸ AN thì chị em mình có nhiều chuyện để nhắc lắm đó, coi chừng có bà con.

    1. Anh Quách Đào ơi! Em học hỏi rất nhiều ông anh rễ của mình. Em thương anh ấy lắm, chính vì vậy lần nào nghĩ hè cũng qua ở với ảnh ít nhất cũng cả tuần. Hồi nhỏ em cứ ở Son Định, Vĩnh Bình, nhất là ở Phú Đa, thành ra nghe nhóm YAMAHA em tưởng là nhóm Chợ Lách mới tham gia vào, khi tìm hiểu mới biết chị THanh Nhi quả thật quê Chợ Lách.   Em em gửi lời chào tất cả các anh các chị ở Chợ Lách.

       

    2. Chị Ngọc Hoa em ở ấp Cái Tranh, rất vui khi biết chị ở cùng xã. Cùng một vị trí ngang với Phú Đa của chợ Lách, nhưng Mỹ AN mình nống và cây trái không được tốt như ở Chợ Lách. Do khí hậu mát sống về nghề làm vườn em có cảm giác dân bà con Chợ Lách có đời sống nhẹ nhàn hơn, và thoải mái .

       

  5. Mèn ơi, xem ra cái chuyện có một người con trai xứ khác về ” mần dâu” xứ mình , ( tui cũng ở Sơn Định nè) là điều xưa nay hiếm. Ai đời chị theo chồng mà em trai lai xách gói đi theo. Hihi, đã vậy rồi còn bật mí cái vụ ” tắm cho vợ” nữa làm quý ông rần rần cả lên. Người tự kiểm điểm mình là dân Chợ lách sao chưa làm vậy, người muốn học hỏi kinh nghiệm gì đó nữa kia.anh Châu Phương ơi, có đôi lần lò dò qua nhà hàng xóm Tống Phước Hiệp chơi có thấy qua vài bài viết của anh, hôm nay được đoc bài của anh ngay tại nhà mình PC rất thich thú. Mong sẽ đc đọc nhiều hơn nữa về những kỷ niêm của anh ở Sơn Định nhé…

    1. Chị Phương Chi, hồi học Vĩnh Long thỉnh thoảng cuối tuần em đạp xe dạp về Sơn Định để ăn nước mắm với xoài tượng. Nhắc đến mắc thèm. Hân hạnh được quen với chị.

  6. Đúng rồi đó Châu Phương ơi! ở xứ Mỹ AN của mình đa số là đất sét vàng dùng làm gạch, nên trồng trọt thứ gì cũng không tốt, đâu giống như Chợ Lách cây trái bốn mùa, giống như người Chợ Lách hiền hòa dễ mến. Quê chị ở ấp Hòa Mỹ 1 bên này sông đối diện chợ Mỹ An, nói luôn, nếu hỏi chị hoăc cô bác của em có thể biết ông NĂm THỌ, có một thời gian là chủ tịch xã MỸAn trước 1975 đó là ba chị. Có bạn ở Chợ Lách tò mò muốn biết anh rể của CP tên gì, bạn ấy cũng ở xã Sơn Định, còn chị học Chợ Lách 4 năm từ 1962 đến 1966. Em vào trang trung học Chợ Lách, chị rất vui, mong được đọc nhiều bài của Châu Phương.

    1. Chị Ngọc Hoa lúc đó em còn nhỏ nên không để ý chắc anh chị của em thì biết bác Năm. Anh rễ của em giờ ở Phú Đa nhà Sơn Đình để người em út của anh ở. Anh rễ em tên Nguyễn Văn Đền hay còn gọi 8 Đền. Lúc em đem theo chị em về  Chợ Lách khoãng 4 hoặc 5 tuổi, lúc đó chị Út em của anh rễ học đệ tam truòng trung học Chợ Lách. Chị Út trước đây là cô giáo, chắc chị Út chắc nhiều người biết đến, nhưng em không biết tên thật của chị. Đây là người chị em thương quý vô cùng, đến bây giờ nhác về Chợ Lách em nhớ về chị.

  7. Giọng văn rất quen thuộc.nhe nhàng mà sâu lắng.Hình như đã từng lôi cuốn rất nhiều đọc giả ở trang TPH thì phải ?Tác giả HV và VCP là một?Nói như vậy có nghĩa là PL cũng là một đọc giả rất ngưỡng mộ lối viết văn của VCP cũng như HV với câu chuyện ‘Chuyện tình một bài thơ’ vậy Rất tiếc ! Nếu cách đây 30 năm đọc được bài “Theo chị về làm dâu Chợ Lách”nhất định PL sẽ lấy chồng ở Chợ Lách rùi.

    1. Cám ơn chị Phan Lương, không ngờ gặp chị ở đây.  Như vậy chị có duyên nợ thế nào về trang web Trường Trung Học Chợ Lách mà chị tham gia ở đây. Chúc chị vui vẻ khỏe mạnh.

    1. Dạ đúng rồi chị, ở nhà gọi tên ấy, không biết ở trường có tên khác không thì em không biết

  8. Anh VỎ CHÂU PHƯƠNG mến! Lộc đọc xong bài anh viết, cũng nín thở mà cười ra nước mắt ,Làm sao có chuyện đàn ông CHỢ LÁCH tắm vợ điều trân vậy,vô lý quá ? Ngoại trừ trường hợp đặc biệt gì đó , chứ bình thường muốn tắm vợ cũng không dể đâu? Còn bạn QUÁCH ĐÀO biểu chỉ kỷ thuật tắm , thì chỉ múc một gáo nước đưa cho vợ thì xong. Ngồi chờ để vợ biểu , múc gáo kế tiếp và cứ tiếp tục cho đến cuộc tắm hoàn tất. Phụ chú ( nếu trong nhà tắm có lu hoặc không ) không thành vấn đề, miển sao vợ chồng không cải nửa là được .Điều nầy nằm trong trang 101 dòng 35,trong sách” ĐI TÌM HẠNH PHÚC “của nhà văn LẠC PHAI  thì các bạn sẽ hiểu thêm chi tiếc ,Mong QD học và làm theo .Lộc chỉ giúp bạn vài điều trong sách vậy thôi.Cầu xin vợ chồng hạnh phúc .

    1. Cám ơn anh Lộc, mấy ngày nay em tranh thủ đọc thơ của anh. Em sẽ gửi vào trang nhà một bài thơ để cùng các anh chị chia sẽ những niềm vui.

       

Trả lời Võ Châu Phương Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...
4322
LỚP ĐỆ THẤT NK69 HOP LẦN THỨ 8
Ngày 9/3/2024, Lớp đệ thất A1 NK : 1968-1869 đã có buổi họp bạn lần thứ 8 tại thị trần Chợ Lách, sau...
quan-chay-da-nang-1_1630824683
CHÚC MỪNG SINH NHẬT SONG THU
Ngày 10/3 là sinh nhật anh Lương Văn Thế, bút danh Song Thu, CHS trung học Chợ Lách. Anh là trưởng nhóm...

LỜI DẪN

Tin nhà

h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
h1
BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 8
Lượt truy cập: