Trung Học Chợ Lách

lan man tuổi già (kỳ 2)

Ngày đăng: 15/11/2013, 12:12 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Tôi biết thêm một câu chuyện có thật thương tâm nữa như sau: Hai vợ chồng đi nước ngoài mang theo hai đứa con. Đứa lớn có gia đình nhưng vợ nó và hai đứa cháu không đi được kẹt ở lại. Sau thời gian chắc mót làm ăn, ông bà đưa cho thằng con 30.000 USD và vay thêm tiền ngân hàng để mua môt căn nhà. Mấy năm sau thằng con bảo lãnh vợ và con qua. Ban đầu mới sang thì con dâu nghe cha mẹ nói gì nghe nấy, chừng vài năm sau, với cách học đòi văn minh và cũng tại hồi đó về làm dâu bị cha, mẹ chồng hành hạ quá. Bây giờ nàng dâu muốn trả thù. Lợi dụng cái anh chồng hay nghe lời vợ, nên cô bàn tính nói vào nói ra. Cuối cùng thằng con đành đoạn đưa ông bà đi ở riêng trong một chung cư. Hai ông bà sức yếu lại hay bị bịnh cũng đành ra đi! Vì buồn bã, vì bịnh hoạn, hai ông bà chán cái cảnh sống bên nầy nên muốn về lại Việt-Nam dù sao cũng còn mấy đứa cháu bà con bên ấy lo, miễn có một số tiền thì mọi chuyện trở nên dễ dàng. Ông bà đến nhà thằng “quí tử” để xin nó lại số tiền mà ông bà đã đưa cho nó mua nhà trước đây. Thằng con phang cho một câu “Đợi chừng nào bán nhà tui trả lại cho”. Hai ông bà đành nuốt đau đớn vào lòng và về Việt-Nam. Hai năm sau lần lượt ông đi trước và kế đến bà cũng qui tiên theo ông! Ôi có nổi đau buồn nào cho bằng!

         **Có vài trường hợp vì thương cháu quá, các bậc bô lão ráng sống chung đụng và  làm quản gia, làm người giữ trẻ để cho con và dâu đi làm. Ở xứ nầy mướn một người làm công đâu phải dễ, mà giao nhà cho người lạ cũng lo lắng, chưa kể đến việc mướn người ngoài phải mất ít nhứt là hơn ngàn đô. Có ông bà giữ nhà, lo cho cháu thì chắc mẽm hơn. Ông bà nào mà không thương cháu và sự chăm sóc chắc chắn phải hơn người ngoài. Cho nên các cặp vợ chồng có người lớn ở nhà lại là cha mẹ ruột của mình thì yên tâm hơn và nếu có cái gì không vừa ý thì bọn trẻ cũng ráng bõ qua mà giữ lại cha mẹ già?Trong trường hợp nầy các lão “quản gia” cũng vui vẽ vì còn được gần con, gần cháu. Có ràng buộc đó, nhưng mà vẫn vui.

 

        **Có một số cụ già góa vợ tiếc nuối tuổi xuân. “Hồi nhỏ lo làm ăn, bây giờ phải được hưởng? Con cái lớn hết rồi, đã có nhà có cửa hết rồi, các cụ tìm cách dung dăng dung dẽ, gom góp được một số tiền già. Lâu lâu về Việt-Nam tìm cỏ non. Có cụ gặp ngay mê hồn trận, mê tít thò lò một em mơn mởn đào tơ, em thưa rằng; “ em sẳn sàng làm người nâng khăn sửa túi cho chàng”.Thế là cụ tức tốc trở lại Mỷ tuyên bố với các con của cụ là cụ đã tìm được tình yêu thực sự. Các cụ quyết định về quê cưới vợ và ở luôn bên đó. Các cụ yêu cầu các con mỗi tháng mỗi đứa gởi tiền về cho cụ vài trăm cho cụ xây dựng “túp liều lý tưỡng”. Cụ không dám lãnh mấy em đó qua đây, vì mấy cụ biết sẽ bị cho cấm sừng hoặc bị bỏ rơi. Các nàng thì thấy “Ôi!thì cũng được, với cái ông nầy thì còn sướng cái thân và ăn chắc hơn lấy Đài-Loan, Hàn quốc”. Mấy ông còn quờ quạng đuợc bao nhiêu đâu mà sợ, còn xí quách đâu mà lo có con. Cứ mặc! Có hứng tình thì lén đi với mấy anh kép trẻ, đố mấy ông theo bắt được.

 

         **Có một số cụ già còn vợ già ở bên nầy đó, nhưng về Việt-Nam bị mê hồn, trở lại Mỹ đòi ly dị vợ già về cưới vợ nhí, đòi bán nhà cửa để chia của và đem về Việt-Nam vui với vợ trẻ. Sau vài năm chăn gối, tiền anh già sắp cạn, em ra thói bạc tình, hờ hửng và đá đít thẵng thừng. Nhà cửa để cho vợ nhí đứng tên, đành nuốt hận ra đi than trách “Bắt thang lên hỏi ông Trời, hỏi tiền cho gái có đòi được không?” Thôi thì tan vở hết rồi! Về lại Mỹ thì còn mặt mủi đâu mà về, đành sống bám mấy đứa cháu ở quê với thân tàn bạc nhược, rồi chết đi trong âm thầm uất hận. Con số người già nói trên, rất may là không nhiều lắm!?

 

          **Nói đến các ông thì như trên, còn cánh các bà thì sao? Ôi! Cũng rất nhiều chuyện nhức đầu.Ở cái xứ Mỷ nầy 65, 66 tuổi mới về hưu, còn chưa tới thì phải còn đi cuốc, có khi tới rồi vẫn còn đi cày. Cái cảnh chồng làm tất bật trong khi tuổi cũng sắp rụng và có nhiều vấn đề như: do cơ thể yếu vì về trễ thức khuya, hoặc yếu do nhiều thứ bịnh gây ra. Cho nên cái mục chăn gối thiếu sót hoặc không còn đủ lực “phá công thành” bà khều mà ông vẫn mần thinh. Các bà vào độ tuổi hồi xuân, khều hoài mà ổng vẫn sụi lơ thì đâm ra bứt rứt. Có bà còn đi làm thì kiếm ngay các bạn đồng sở mà du hí. Vào thời buổi internet nở rộ, cứ lên máy chát, rồi hẹn hò vào các nhà nghỉ hưởng lạc! Có bà còn muợn cớ về thăm quê nhà kiếm  trai nhí bên ấy mà du hí, có trời mà biết, ông chồng cho dù có biết thì cũng đành ôm mối sầu câm. Con cái lớn hết rồi làm rùm beng thì không nên!.Nhà cửa đứng chung bán ra thì bị mất tam mất tứ. Đành chịu!Cái chiến tranh lạnh bắt đầu từ đó. Ông xách gói ra ngủ riêng âm thầm đi, âm thầm về như chiếc bóng!

 

          **Trường hợp khác, các bà do vào tuổi mãn kinh, do vấn đề thiếu hormone, mỗi lần gần chồng thì không còn phê như thuở nào…Có người cởi mở thì tâm sự cùng chồng “xin ông stop cái mục nầy cho em nhờ, em thấy không còn thích…nữa!

           Có khi các bà không còn thích gối chăn nhưng không dám nói vì mặc cảm và kiếm cớ (như ông ngủ cựa quậy quá, ông ngáy to quá…) xách gói đi ngủ phòng riêng. Ông chồng ngớ ra “Hồi đó tới giờ sao chịu được, bây giờ lại dỡ trò? Rồi đâm ra nghĩ lung tung và đâm ra quạo quọ vô cớ, đôi lúc tưởng các bà có bồ khác, rồi ghen tuông. Ghen ngầm mới là khổ!

           Để tránh tình cảnh nầy, có người biết chuyện khuyên nên đi bác sĩ, thuốc uống hoặc dùng thuốc mỡ thoa làm tăng hormone.  Các nhà tâm lý học khuyên nên đổi cách, dàn cảnh cho tình tứ hơn thì may ra thoát cảnh vợ xách gói đi, bỏ ông chồng già ngủ cù queo một mình. Già rồi, trái trời trở gió có người ấm nồng sẽ sống lâu hơn!?

Tôi có anh bạn, nay ảnh qui tiên rồi! Anh bạn có bài thơ già đọc nghe rất đúng với cái cảnh bạn già giống nhau y chang:

      Già

Ba lăm tuổi lẻ nhân hai

Ra đường thấy gái mặt mày sáng ra

Về nhà mặt tối như ma

Soi gương, mới nhớ mình già bạc râu

Lai rai tóc rụng xuống cầu

Xuân tình rỉ rả, lâu lâu một lần

Sáng ra, rụng …cả tay chân

 

 Anh bạn còn làm thêm một bài cũng rất hay:

Viagra

Bữa nào ổng thiếu Viagra

Em nằm thao thức, thở ra một mình

Khều khều, ổng cứ mần thinh

Em đành ôm gối để tình trôi sông

Lòng em hừng hực than hồng

Gừng già! Sao ổng chẵng nồng chẵng cay?

Trời cao có thấu lòng nầy?

Lâm Thanh

  Cái thế giới về già ở các nước tây phương có nhiều nỗi đau buồn hàng trăm cách.Với một số người già bị con cái bỏ vào trại dưởng lão thì sao? Họ ưu buồn vểnh tai, mở mắt ngóng chờ con cháu đến thăm, từng ngày từng bữa. Họ thèm nghe tiếng trẻ khóc, thèm nghe tiếng nói của các con. Họ thèm nhìn quang cảnh căn nhà mà ngày xưa họ chăm sóc cho từng đứa, lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho nó. Nửa đêm thức giấc lén vào phòng đấp chăn cho mỗi đứa. Thèm hát ầu ơ ru cháu ngủ.Thèm nước mắm, canh chua. Họ thèm đủ thứ ở cái mái ấm gia đình  mà họ đã tạo dựng nên. Bây giờ họ đờ đẫn với ước muốn đơn sơ là được nhìn lại mặt tụi nhỏ, được sờ làn da, mái tóc của chúng mà chẵng đuợc!

            Trên đây tôi đã lan man về hai cái nhìn: tiêu cực và tích cực, còn cái nhìn trong sáng và có tính cách khoa học hơn trong sự nhận thức tuổi già và sống trong tuổi già thì sao? Già là một diễn biến đương nhiên của kiếp người, là sự thoái hóa, là sự hao mòn, là sự đào thải tự nhiên của luật tạo hóa. Con rắn có lột da để sống để lớn nhưng nó cũng phải chết. Chúng ta phải chấp nhận tuổi già lù lù tới và ráng sống sao cho hết kiếp sống già còn lại trong thích nghi với mọi hoàn cảnh thì may ra cuộc sống già không đến đổi buồn. Sống tốt, sống xấu là do thái độ của chúng ta trong mọi nhận thức để sống.

       Sau đây tôi xin trích dẫn tài liệu về một hội nghị, khảo sát qua việc thăm dò ý kiến của 1507 người tuổi từ 18 tới 61 về tuổi già. Trong phần tổng kết qua khảo sát và đề nghị của các chuyên gia trong Hội tâm lý học ở Úc năm 2004 như sau:

           -Nâng niu gìn giữ cái mình đang có, không ghen tuông đố kỵ với người khác

           -Nếu thấy có điều không vừa ý thì thay đổi chúng đi, không thay đổi được thì sống chung hoà bình với chúng.

           -Giận dữ, chỉ trích, nhục mạ bản thân và tha nhân rất có hại cho sức khỏe.

           -Đã quyết định làm việc gì thì nên làm ngay.

           -Năng vận động cơ thể đều đặn mỗi ngày để duy trì sức mạnh thể xác, tránh đau  xương nhức khớp, mất thăng bằng cơ thể.

            -Duy trì dinh dưỡng cân bằng, đa dạng các loại thực phẩm và tiêu thụ vừa đủ với nhu cầu cơ thể. Giảm thiểu chất béo, muối, đường, rượu.

            -Thường xuyên tham dự vào các hoạt động có tính cách kích thích trí óc như cờ tướng, ô chử, domino, đọc báo.

             -Khám sức khỏe tổng quát theo định kỳ, tìm hiểu về các bịnh tật, dùng thuốc đúng cách chỉ dẩn.

              -Duy trì liên lạc với mọi người để chia sẻ vui buồn, tránh lẻ loi, cô đơn. Nếu sức khỏe tốt nên tham gia vào các sinh hoạt hội đoàn, thiện nguyện cộng đồng.

              – Giãm thiểu những căng thẳng, những nổi buồn không tên thường ngày bằng cách nói thẳng những cảm nghĩ của mình “Quẳng gánh lo đi và vui sống” với cái gì mình có.

 Douglas Mc Atthur một danh tướng của Hoa Kỳ đã nói “Chúng ta già không phải vì chúng ta sống qua một số năm tháng, mà già vì trốn bỏ lý tưởng. Năm tháng làm da ta nhăn nhúm; chối bỏ lý tưởng làm nhầu nát tâm hồn. Lo âu, sợ hãi, thất vọng là kẻ thù, nó dìm ta xuống đất đen và biến đổi ta thành cát bụi trước khi ta chết”

 

           Sau cùng tôi xin gởi đến các bạn già cùng các bà vợ già giống như tôi bài thơ cho phần đoạn kết với cái mong ước thật mộc mạc và thật đơn sơ trong cơn ấm lạnh của tuổi xế chiều nơi đất khách, quê người là “cùng dìu nhau, lo lắng cho nhau trong đoạn đường còn lại của tuổi chiều. Hãy nhớ một thời qua kỹ niệm, hãy trân quí nghĩa vợ, tình chồng, tự kiềm chế bản năng xấu để chúng ta cùng bước về phía trước, chắc cũng chẳng còn bao lâu nữa phải xa nhau để về với lòng đất miên viễn!”

           MÌNH ƠI!

 

 Mình ơi! Nắng đã nghiêng chiều

Đời qua trăm nẽo, rụng nhiều tóc xanh

Mòn vai gánh nặng gian truân

Mênh mông ghềnh thác mõi mòn đôi chân

Nhớ xa rồi lại nhớ gần

Ráng đi mình nhé! chia phần nhân gian

Tóc mình giờ đã pha sương

Đầu tôi muối trắng, trán nhăn trăm bề

Xứ người còn lắm nhiêu khê

Mình, tôi còn phải đê mê nhọc nhằn

Trễ tràng, nửa mảnh chiếu chăn

Bởi cơm áo, bởi nợ nần quanh năm

Quê nhà mờ nhạt xa xăm

Dỗ nhau mấy khúc từ tâm ngọn nguồn

Rằng mai, rằng mốt về thăm

Dắt nhau tìm lại chút hương quê mình

Qua đồng nhìn ruộng mênh mông

Leo ngang cầu khỉ ngắm dòng sông trôi

Về giồng mờ cát, gió bay

Ăn bông bí luộc, củ khoai nướng lùi

Về vườn cây trái xanh tươi

Nghe thơm hương bưởi, hương cao ngọt ngào

Đêm mưa nghe ngọn gió lùa

Giọt rơi bẹ chuối sau hè đê mê

Cái thương, cái nhớ đất quê

Mình ơi! mình hẹn nhau về nay mai?    

      Huỳnh Tâm Hoài

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...
4322
LỚP ĐỆ THẤT NK69 HOP LẦN THỨ 8
Ngày 9/3/2024, Lớp đệ thất A1 NK : 1968-1869 đã có buổi họp bạn lần thứ 8 tại thị trần Chợ Lách, sau...
quan-chay-da-nang-1_1630824683
CHÚC MỪNG SINH NHẬT SONG THU
Ngày 10/3 là sinh nhật anh Lương Văn Thế, bút danh Song Thu, CHS trung học Chợ Lách. Anh là trưởng nhóm...

LỜI DẪN

Tin nhà

h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
h1
BA LẦN ĐỌC VUA QUỶ
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 5
Lượt truy cập: