Trung Học Chợ Lách

Trường mà tôi yêu

Ngày đăng: 17/09/2013, 11:09 chiều, ý kiến phản hồi (0)

Đây là truyện ký của thầy Võ Hiệp, một GV dạy tại Trung học Chợ lách từ năm 1967-1975. Thầy là người địa phương khác đến Chợ lách công tác và sống ở đây, chọn nơi này làm quê hương. Vì thế , những kỷ niệm ở đây hằn ghi trong tâm khảm của thầy để rồi có tác phẩm này. Với “trường mà tôi yêu”, những người lớn tuổi có dịp nhìn lại quá khứ, người nhỏ tuổi sẽ biết thêm lịch sử của trường Trung Học Chợ lách trong  giai đoạn chiến tranh (Lương Minh)

 

           Hình vẽ trường Trung Học Chợ Lách 1967 qua trí nhớ ( Hình do Võ Hiệp vẽ)

 

Trường được bắt đầu với lớp đệ thất (lớp 6) năm 1961 và người hiệu trưởng đầu tiên là thầy Thành. Ông làm đây 2 năm thì bị động viên, ông Mười Chỏi làm Xử lý thường vụ. Sau đó, Ông Nguyễn Thành Thưởng về làm hiệu trưởng và trường được xây thêm cho các lớp đệ nhất cấp. Đến năm 1966 thì có hai lớp đệ tam A và B (lớp 10) và tới năm 1967 thì có đệ nhị A, B.

Trong thời gian chưa có các lớp đệ nhị cấp, thì khi tốt nghiệp trung học phổ thông, các học sinh được gửi lên trường tỉnh Vĩnh Long- Tống Phước Hiệp.

Năm 1967, tôi về nhận nhiệm sở.

Thật ra tôi ra trường năm 1965, nhưng vì năm 1963 có vụ đàn áp tôn giáo của chính quyền ông Diệm. Tôi tham gia phong trào này với tư cách cá nhân, không thuộc đảng phái hay tôn giáo nào. Tôi cũng không phải là một Phật tử chính cống, nhưng thấy phẫn uất mà làm. Một thời gian hoạt động tôi bị mật vụ của Ngô đình Nhu bắt, tra tấn, mãi tới 1-11 thì cuộc cách mạng do ông Dương Văn Minh lật ông Diệm, tôi mới được thả ra. Lúc đó, các bạn cùng khóa đã thi xong và năm kế tiếp đã khai giảng. Tôi vào học lớp năm sau, nhưng năm ấy quy chế đại học Sư Phạm chuyển từ 3 năm sang 4 năm. Vì vậy thay vì ra trường năm 66 thì phải ra năm 1967.

 

Năm 1967, tôi chuẩn bị thi tốt nghiệp. Trong môn điện, có bài sóng điện từ vào một cột đồng tương đối khó nhớ. Bài này có hai phần, phần không góc lệch và phần có góc lệch φ. Phần có góc lệch φ phương trình phức tạp hơn, nên tôi nghĩ muốn thi khó thì đề bài phải là thuộc phần ấy. Hôm đi thi, khi mở đề bài tôi thấy chứng minh làn sóng điện từ không có góc lệch φ. Khi đọc bài thì hoa mắt chữ “không”, tôi không thấy, nên nghĩ mình trúng tủ. Tôi chứng minh thật mạch lạc và chắc mẩm sẽ đậu thật cao. Thi xong, tôi hớn hở ra gặp các bạn.

Hồng Bò nói:

– Đề thi dễ thấy mẹ!

Các bạn cùng đồng ý.

Tôi phản đối:

– Bài này tương đối khó chứ vì phương trình điện từ có góc lệch φ mà.

Trần Trọng Dương [1]:

– Mày nói thật không? Sao tao thấy không có góc lệch?

Phạm quang Bình [2] cười, ủng hộ:

– Thằng Hiệp đọc lộn đề rồi!

Kết quả tôi trượt kỳ ấy chỉ vì xớn xác.

Kỳ hai tôi thi bên khoa học làm bài một cách dễ dàng.

Sau hai tuần thì kết quả thi viết công bố và tôi có tên trong đó.

Tuần sau thi vấn đáp và tôi nghĩ mình sẽ đậu.

Tuần sau nữa, một nhóm chúng tôi ra sân của ĐHSP đánh vũ cầu. Trong đó có TT Dương, và Trần Thái Hùng [3]. Lúc tôi đang đánh cầu với Hồng Bò [4]  thì nghe tiếng Nguyễn Quốc Thông [5] vang lên từ quán bán bánh cuốn ngang hông trường:

– Võ Hiệp Kỳ Tình [6] đâu rồi? Võ Hiệp ơi!

Tất cả chúng tôi quay về phía đó chờ đợi, nhưng vẫn chưa thấy Thông vì còn khuất tường của trường. Tuy vậy, tôi vẫn cất tiếng đáp lại:

-Tao đây! Có việc gì thế?

Tiếng hắn đáp lại và chúng tôi cũng nhận ra hắn cùng một số bạn đang nhe răng cười, khi vừa xuất hiện ở cuối dãy building của ban khoa học:

– Ế ! Khao đi chứ!

Tôi hỏi:

– Khao cái gì?

– Mày đậu thủ khoa rồi!

Tôi mừng quá! Quăng vợt phóng sang trường ĐH Khoa Học cách đó độ hơn trăm thước.

Hùng Sùi [7] la:

– Ê! Định chạy làng hả? Sao không khao tụi tao?

Tôi vừa đáp vừa chạy:

– Tao xem kết quả quay về đãi tụi mày.

Thế là cả đám theo tôi sang Đại Học Khoa Học.

Sang đến nơi quả tình thấy tên mình nằm đầu bảng.

Ngày hôm sau, Đại Học Sư Phạm đăng tên thí sinh tốt nghiệp.

Chúng tôi đều ngạc nhiên khi tên tôi đã không nằm trong danh sách ấy. Thật ra, các môn chính nằm bên khoa học, còn ở sư phạm chỉ dạy tâm lý thanh thiếu niên, quản trị học đường…bằng tiếng Việt [8] thì ai không đậu. Từ trước đến nay, nếu đậu bên khoa học thì chắc chắn đậu bên sư phạm. Rớt hay không là các môn bên khoa học thôi.

Tôi buồn không nuốt nổi nước miếng. Các bạn bè quanh quanh tôi an ủi.

Trưa hôm ấy, chúng tôi thấy người thơ ký đem danh sách khác đến thế vào danh sách cũ, và bây giờ tên tôi được nhét vào cuối bảng.

Như vậy tôi được chọn nhiệm sở hạng chót bên sư phạm.

Thật ra câu chuyện là thế này. Ngày ấy, ĐHSP hàng năm tuyển 40 thí sinh vào các ban. Và hàng năm số sinh viên tốt nghiệp các ban cũng khoảng 40 người trừ ban toán. Vì cách học toán ngày ấy quá khó, nên hàng năm có một số sinh viên bị sa thải, đến năm cuối cùng thì chỉ còn khoảng 20 sinh viên. Vì lý do ấy, số sinh viên tốt nghiệp ban toán không đủ cung cấp cho nhu cầu các trường toàn quốc. Ban giám đốc ĐHSP thấy tôi trượt vì các môn không quan trọng, nên hội họp và quyết định cho ra trường nhưng chọn nhiệm sở hạng chót.

Tôi chẳng biết phải chọn về đâu, nên bèn lên bộ, tìm sư phụ để vấn kế. Sư phụ tôi là thầy Phạm Đăng Cảnh, người đã từng dạy tôi ở trung học Vũng Tàu, và lúc ấy Thầy đang làm Giám Đốc nha trung học và tư thục. Tôi nghĩ thầy Cảnh là người miền Nam, nên có lẽ Thầy rất rõ các địa phương của từng vùng.

Tôi đến văn phòng của Thầy, ở giữa trường Trưng Vương và Võ Trường Toản, và xin được gặp Thầy.

Sau khi tôi chào Thầy, Thầy mời tôi ngồi xuống cái ghế trước mặt và hỏi:

– Em có việc gì mà lại gặp Thầy vậy?

Tôi gãi đầu:

– Dạ thưa Thầy, em lại chào thầy để đi nhận nhiệm sở và cũng xin vấn kế thầy.

– Có gì mà phải vấn kế?

– Em mới tốt nghiệp mà chẳng biết nên về nhiệm sở nào?

– Hiệp học toán phải không?

– Dạ.

– Tốt nghiệp hạng mấy?

– Dạ hạng chót bên sư phạm.

– Tại sao tệ vậy? Bao nhiêu người ra trường mà đứng bét?

– Dạ thưa Thầy, bên khoa học thì em cũng khá, nhưng bị trượt bên sư phạm. Tổng số sinh viên tốt nghiệp cho cả hai kỳ vào khoảng gần 20 người. [9]

– Tại sao kỳ vậy? Khoa học mà đậu thì sư phạm phải đậu chứ? Thầy chỉ thấy các sinh viên trượt là vì bên khoa học thôi, chứ chưa nghe ai trượt bên sư phạm cả. Em luôn luôn ngược đời với người khác. Em nói Thầy nghe coi!

– Dạ thưa Thầy câu chuyện hơi dài dòng.

– Thì em cứ kể Thầy nghe.

– Dạ thưa, hôm thi dạy tập sự ở trường Trưng Vương, em mặc áo kaki, không đeo cravat, mà dạy học còn hay tiếu lâm, nên học sinh thích lắm mà thầy Cương thì ghét. Khi dạy xong, thầy Cương gọi em lại nói: “Anh thật chẳng có tư cách làm thầy. Anh coi bạn anh kìa, ai nấy đều quần áo thẳng tắp, cravat tử tế, còn anh thì mặc áo lính, cravat thì không đeo, dạy học thì không nghiêm túc. Tôi sẽ đánh anh trượt.” Em lại chẳng biết năn nỉ, nên môn sư phạm thực hành của em rớt.

Thầy nhíu mày:

– Em nói Thầy không hiểu được. Rớt là rớt, mà tại sao lại chọn nhiệm sở hạng chót?

Tôi phân trần:

– Thưa Thầy nói ra lại cũng hơi dài dòng. Em đậu cao bên khoa học, nên hội đồng khoa bên sư phạm họp lại và quyết định cho em ra trường nhưng đậu hạng chót.

Thầy lắc đầu:

– Nếu vậy thì em đậu bên khoa học cao lắm mới có chuyện này.

– Dạ. Bên khoa học, em đậu chứng chỉ quang học hạng bình thứ, á khoa, còn đậu điện hạng bình, thủ khoa về điện. [10]

Thầy nhíu mày:

– Ngày còn học ở Vũng Tàu, em cũng tỏ ra lập dị rồi, học giỏi mà mặc quần vá đít chẳng coi ai ra gì. Lên đại học mà chứng nào tật nấy vẫn không chừa. Nhưng tại sao mặc áo lính?

– Dạ thưa em có một áo sơ mi trắng để đi thi tập sự. Đêm hôm trước khi thi, em giặt rũ sạch sẽ. Em định bụng sáng hôm sau ủi thẳng tắp để đi thi, không ngờ trời mưa làm áo ướt sũng, nên đành mặc áo lính binh nhì, vì vậy không đeo cravat được.

Thầy lắc đầu:

– Danh sách nhiệm sở em có không?

– Dạ thưa Thầy không, nhưng em biết còn đến hai mươi mấy nơi chưa ai chọn cả.

Thầy đứng dậy, lại chỗ tủ lấy ra một bản sao danh sách nhiệm sở, rồi đưa cho tôi:

– Em gạch những chỗ đã được chọn đi rồi đưa cho Thầy.

Tôi gạch những chỗ mà bạn bè tôi đã chọn, rồi trả lại Thầy bản danh sách đó.

Thầy nhìn một lúc rồi nói:

– Ngày trước, Thầy dạy học ở trường Thời Đại, thì gặp em cũng đang dạy tư ở đó. Nay em còn dạy hay không?

– Dạ còn, nhưng em đã báo cho ban giám đốc biết em phải nghỉ dạy một thời gian, để đi nhận nhiệm sở.

– Vậy em có thích hàng tuần về Sàigòn không?

– Dạ thưa Thầy em muốn dạy ở trường chính nửa tuần, còn nửa tuần em về đây dạy tư.

Thầy cười:

– Nếu về Bạc Liêu, Đồng Tháp, Rạch Giá hay nơi khác thì em có lẽ phải ở đó luôn. Còn Chợ Lách là một huyện trù phú, yên tĩnh, mà có thể về đây hàng tuần. Thầy nghĩ em nên chọn nhiệm sở đó.

Tôi nghĩ: “Nghe hai chữ Chợ Lách thấy mất thiện cảm quá, chắc nơi đó toàn là lau lách hay vừa đi vừa lách chắc? Nhưng Thầy đã cho lời khuyên, thì mình cũng nên về đấy xem sao.”

Tôi cám ơn Thầy, rồi đi về nhà.

Tối hôm ấy, khi vào lớp học Aikido, Judo và Taekwondo cùng từ giã các bạn.

Mấy bạn hỏi:

– Bây giờ về đâu dạy học anh Hiệp?

Tôi trả lời:

– Chợ Lách.

Anh em Sanh, Phát, Đạt nói:

– Ồ vậy để tôi giới thiệu, anh về đó ở nhà tôi.

Anh em Sanh [11] có tất cả ba người, học Aikido với tôi, và là con của ông giám đốc nhà phát hành Nam Cường. Họ đều là những người vui vẻ, tốt bụng. Ngày hôm sau, họ mang cho tôi tờ giấy giới thiệu đó, như vậy làm tôi cũng yên tâm phần nào, vì có một nơi tá túc lúc ban đầu.

Võ Hiệp

 

[1][1] Dương sau này dạy ở Sa Đéc.

[2][2] Phạm Quang Bình sau này về Long Thành.

[3][3] Trần Thái Hùng về Tống Phước Hiệp.

[4][4] Thật ra tên anh ta là Nguyễn Văn Hồng- sau này về Long Khánh.

[5][5] Sau này dạy ở Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho.

[6][6] Vì cái tên tôi thường đi đôi với tiểu thuyết, và các bạn biết tôi hay làm các việc mạo hiểm. Nhất là vụ biểu tình chống đàn áp tôn giáo năm 63. Đến nỗi bị mật vụ của ông Nhu bắt tra tấn rồi cho ngồi tù đến ngày 1-11 mới được thả. Thật ra tôi ra trường năm 65, nhưng vì vụ này khi được tự do thì các khóa thi lên lớp đã xong từ lâu, nên ở lại và đổi qui chế sang 4 năm nên 67 mới tốt nghiệp.

[7][7] Biệt hiệu của Trần Thái Hùng.

[8][8] Trước năm 1964, môn toán bên ĐHKH được giảng dạy bằng tiếng Pháp. Lớp MGP thì do các ông Tây: Prool và Monavon đảm nhiệm, còn năm CDI thì do ông Benaton và thầy Đặng Đình Áng lo. Nhưng Thầy Áng cũng giảng bằng tiếng Pháp nốt.

[9][9] Trong thời gian này, các môn khác tốt nghiệp khoảng 40 người.

[10][10] Ngày ấy đậu tú tài cũng như đại học chỉ Bình Thứ hay Bình là cao nhất.

[11][11] Sanh tức Năm Sanh hiện đang sống ở Chợ Lách, nhà ông thân sinh của anh là ông Nam Cường.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 


 


 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

H3
CHUYỆN ĐÒ XE VỀ CHỢ LÁCH
Những năm gần đây thỉnh thoảng tôi về Chợ Lách thăm bạn học cũ, ngồi trên chiếc xe Honda chạy bon bon...
Xem tiếp...
pHAN LE
TÔI ĐÓNG VAI PHÀN LÊ HUÊ
Năm 1963 thầy Nam dẫn tôi và chị Dễ (chị Tư) về Chợ Lách đi học, tôi vào lớp nhất học với thầy Châu,...
Xem tiếp...
anh-chup-man-
CHUYỆN THI ĐỆ THẤT
Từ trường Nam tỉnh lỵ Vĩnh Long theo thầy Nam về Trường tiểu học Chợ Lách học lớp nhì (lớp 4). Năm đầu...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

438
NHÓM THCL ĐI VIẾNG NGÔ QUANG BỬU
Tối 22/4, nhóm Trung Hoc chợ lách ở Sài Gòn gồm thầy Nguyễn Khắc Minh, THanh Tùng. Phương Chi và Phương...
657
BỬU ƠI !
Bửu ra đi không là nổi bất ngờ với bạn bè. Cách đây hơn hai năm khi nhóm bạn bè Tống Phước Hiệp chuẩn...
CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 18
Lượt truy cập: