Trung Học Chợ Lách

MÊNH MÔNG ĐỜI THƯƠNG HỒ

Ngày đăng: 13/08/2013, 8:15 chiều, ý kiến phản hồi (3)

     Tôi gặp lại ông vào những ngày mưa dầm  nao nao buồn. Cũng chiếc xuồng ba lá cũ kỹ, nhỏ xíu như chỉ có thể đựng đủ cuộc đời lênh đênh của ông; cũng cái kiểu uống trà chậm rải và gương mặt buồn bã triền miên. Hơn hai năm bặt tin, tưởng ông đã tìm được cái nghề khác khá hơn cuộc đời mênh mông sông nước của mình. Nhưng không, ông nói, mấy năm qua vẫn cái nghề cũ mà phiêu bạt nhưng chuyển hướng đến Tiền Giang. Lần này, ông không ở lại với tôi lâu hơn để uống chút rượu… tương phùng mà vội vã đi, vội vã lẫn vào dòng khách thương hồ trôi đi và khuất dạng trên sông Cổ Chiên như chẳng có bến bờ. Còn lại tôi một mình buồn hiu với những dòng hồi tưởng…

                                                          Bà làm ơn lấy lòng bò luộc cho tui 1 đĩa

     Đó là một buổi chiều cuối năm nhưng không có cái se se lạnh như thường lệ, cũng không có cái rạo rực háo hức của tuổi trẻ mà chỉ là những dồn nén lo âu của kẻ thường túng thiếu. Tôi ngồi nhìn dòng sông quen thuộc của mình chảy uể oải như người đi bộ phải trải qua một đoạn đường dài. Ban đầu, tôi không chú ý lắm một chiếc xuồng nhỏ đậu nép mình dưới đám bần cặp mé sông, cô độc. Nhưng, đôi mắt của người cầm viết đã chịu khó tò mò. Người đàn ông độ chừng năm mươi tuổi ngồi xếp bằng trước mũi xuồng kéo thuốc lá. Thỉnh thoảng, ông chổng cái bình trà chắt ra vài giọt rồi thản nhiên bưng lên nếm nhẹ, cái kiểu uống của người nghiện trà nặng. Tôi không phải là người biết vẽ, nếu được, tôi sẽ có một bức ký họa tuyệt vời. Và sự cô đơn đó cuốn hút cao độ tính tò mò ở tôi. Tôi mon men ra bờ sông hỏi vọng xuống:

    –  Chú định đón giao thừa với… mình à?

    – Ừ! Còn nếu chú mầy mời tao lên nhà uống rượu thì phải hai chứ.

     Tôi và ông quen nhau đơn giản vậy. Ông tên Nguyễn Tấn Đáp, sinh năm 1957, quê ở tận cồn Phú Thuận, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp. Vợ chết sau một cơn bạo bệnh. Có đứa con trai bảy tuổi đang học lớp một thì trân lũ năm kia đã cướp của ông luôn niềm hy vọng đó trong lúc ông đang xuôi ngược trên các dòng sông miền Tây Nam bộ làm khách thương hồ. Bão tố cuộc đời đã đổ bộ lên số phận người đàn ông phương Nam chất phát, tàn phá tất cả chỉ chừa lại cái thân thể gầy gò, cam chịu. Việc buôn bán của ông như cũng có một qui trình. Ông mua chịu lúa ở quê mình chở xuống Bến Tre bán cho những nơi chỉ trồng cây ăn trái như Chợ Lách. Xong, ông mua trái cây chở ngược về vùng trồng lúa bán lại. Vậy là cả chuyến đi lẫn chuyến về đều có lời

Chú mầy sống bằng nghề viết lách à? Có cần đi thực tế một chuyến không? Gạo với đồ ăn khỏi lo. Tao đã chuẩn bị sẵn một khạp mắm sống, chỉ lo tiền mua thuốc hút thôi, còn rượu, bạn thương hồ đầy dẫy trên sông nước miền Tây này.

     Trước lời đề nghị đầy hấp dẫn đó, tôi gật đầu. Chúng tôi bắt đầu khởi hành từ ngày mùng sáu Tết. Mùa gió chướng trên sông Cổ Chiên không dữ tợn như những cơn gió nam vào tháng sáu, tháng bảy nhưng cũng đầy đe dọa. Giữa mênh mông sông nước tôi thấy mình nhỏ bé lại nhưng tầm mắt thì có dịp quan sát rộng hơn, xa hơn. Và tự nhiên, con người bỗng thấy được bình yên, nhất là về mặt tinh thần; có vẻ thoát ra được những suy tính tầm thường của cuộc mưu sinh đầy khắc nghiệt.

     Chúng tôi qua khỏi thị xã Vĩnh Long rẽ vào một con kênh rộng thì hình như hoàng hôn cũng đang chờ ở đó. Tấp xuồng vào một đám bần, ông Đáp lục đục nấu cơm còn tôi thì ngồi trước mũi xuống hứng cho đầy cảm giác buồn từ đám lục bình dạt trôi như  những lữ khách không nhà vào lúc hoàng hôn. Nhưng chiếc xuồng của dân bản xứ đi làm về muộn chéo ngang tôi, ai đó ngoái nhìn, cái nhìn như nói lời chia sẻ hơn là xoi mói. Trời tối hẳn. Tuốt đằng xa, trong cái nhập nhoạng của tầm nhìn hạn chế vào đêm là một bóng đen dầu leo lét. Ông đáp nói cũng là để giải thích với tôi.

     – Cùng là dân thương hồ đó.

     – Sao không làm quen?

     – Chưa. Đợi một lát nữa đông đông mới xúm lại. Mới tối mà.

     Quả nhiên, hơn một tiếng đồng hồ sau, xuất hiện thêm vài bóng đèn dầu nữa và bắt đầu di chuyển. Ông Đáp cũng mở dây buộc rồi lặng lẽ chèo dần đến những chiếc bóng đèn đang gần như quần tụ lại một chỗ. Thật lạ, có vẻ là một sự ngẫu nhiên nhưng giống như là một qui ước. Các xuồng cứ dần chụm vào nhau, tất cả là xuồng chèo. Tiếng một người nào đó vọng trong đêm:

     – Có mồi gì không?

     – Lòng bò luộc nè.

     – Có rượu chưa?

     – Tự nhiên tôi lại liên tưởng một cách lạ lùng rằng người thương hồ cũng dễ làm quen nhau như giới văn nghệ sỹ. Họ lẫn tránh sự cô đơn của mình bằng cách đi tìm bạn. Bạn trên sông nước cũng lặng lẽ, ít ồn ã như các quán cóc ở vỉa hè của một thị xã nào đó nhưng buồn hơn, chật vật hơn. Tiệc rượu được bày ra hết sức đơn giản. Một dĩa lòng bò, chén mắm ruốc và mấy đôi đũa, vậy thôi. Tôi ngồi lóng ngóng trông một lời giới thiệu. Chỉ có những cái chuyền tay ly rượu và ánh nhìn thoáng qua để nhận mặt. Không bông đùa cợt nhả, không bàn cãi về thế thái nhân tình, cũng không làm bộ làm tịch với nhau. Im lặng. Sự im lặng như có thể vỡ toang ra bất cứ lúc nào nếu ai đó vô tình lên tiếng. Hình như chưa có ai quen ai trong bữa “tiệc” đặc biệt này. Đã qua bốn vòng rượu mà không khí cuộc nhậu vẫn đặc quánh. Biết tôi lúng túng, ông Đáp lên tiếng:

     – Là dân gạo chợ nước sông, cùng tha phương cầu thực với nhau nên gặp nhau thì “mừng” nhau kiểu này, sáng mai mạnh ai nấy tìm đường mà bươn chải.

Tôi cố gợi chuyện với một người ngồi bên cạnh nhưng chỉ nhận được một thái độ lạnh lùng. Tôi thông cảm cho anh ta bằng cách bưng ly rượu mời và nhận được vài lời tâm sự. Anh ta chuyên bán thúng rổ, sàng sịa bằng tre nứa.

     – Kiếm sống được không, anh?

     Hồi trước còn đỡ, bây giờ thị trường đầy dẫy những đồ dùng bằng mủ, bằng nhựa nên mấy thứ bằng tre nứa người ta chê. Muốn bán được phải “lủi” vào vùng sâu, vùng xa. Làm bạn với bão lụt, mưa dầm riết quen rồi. Đổi nghề à? Buồn chết!

     Buồn chết? Lẽ nào cuộc sống kỳ hồ này khiến người ta chấp nhận một cách trân trọng như vậy? Nghiệp chướng chăng? Hay cái “máu” hồ hải phiêu bồng của người xưa từng vượt suối băng ngàn xuống phương Nam sinh cơ lập nghiệp vẫn “di truyền” ít nhiều ở họ nên họ thích phiêu lưu và dấn thân không một chút tham vọng? Không biết, nhưng trên những con sông của mười ba tỉnh miền Tây Nam bộ này chưa ai thống kê được có bao nhiêu xuồng ghe của khách thương hồ ngày đêm lặng lẽ xuôi ngược kiếm sống.

     Trong số những người ngồi uống rượu chung, tôi đặc biệt chú ý đến một người đàn ông mà suốt buổi ông không nói lấy một lời. Những người khác có lẽ đã chếnh choáng say. Người đọc thơ, người ca vọng cổ, có người lại chửi thề vào bóng đêm để thỏa mãn nỗi ấm ức gì đó trong cuộc đời. Người đàn ông đó im lặng. Sự im lặng nề và cô đơn. Đem tất cả những “mánh khóe” nghề nghiệp ra để khai thác, cuối cùng người đàn ông ấy cũng nhẹ nhàng tâm sự. Sinh trưởng tại Sài Gòn, mảnh ruộng rau muống ở Bàu Cát quận Tân Bình đã nuôi phần lớn tuổi thơ ông. Lớn lên, ông là nhân viên bốc vác “thường trực” ở bến xe miền Đông, khi bà mẹ gánh hàng rong của ông chết vì căn bệnh lao quái ác. Rồi, ông tự gia nhập vào giới giang hồ để giành giựt cuộc sống. Vào tù, ra khám như cơm bữa, cuộc đời cứ như là vứt đi chứ cha mẹ không, tài sản không, cả miếng giấy lận lưng để chứng minh là thành viên của cộng đồng cũng không có thì ở tù đôi lúc còn được đối xử công bằng! Năm 1975, ông được đặc xá và có cơ hội làm lại cuộc đời. Người ta giới thiệu ông vào đội bốc vác ở chợ cầu Ông Lãnh. Tại đây, ông được một chủ lái buôn miền Tây nhận làm con nuôi. Tưởng rằng cuộc đời bắt đầu ưu đãi cho một thân phận. Nhưng, chính người lái buôn kia đã đẩy ông vào một tình thế khắc nghiệt khác khi vu oan cho ông lấy hết số tiền bán trái cây mà chính ông biết rõ người kia đã nướng số tiền vào sòng bạc. Tức giận, ông đã đánh ông ta trọng thương rồi bỏ trốn. Sống chui nhủi mãi bằng cách đi làm công nhựt ở Long An, Đồng Tháp, An Giang, ông dành dụm được một số tiền mua chiếc xuồng nhỏ kiếm sống bằng nghề bán lò nung.

     Ông kết thúc câu chuyện bằng cách bưng ly rượu uống một hơi sạch trơn và hỏi tôi có biết ca vọng cổ không. Không đợi tôi trả lời, ông ngước mặt lấy hơi rồi hát: “Ghe chiếu Cà Mau cấ sào trên vàm kinh Ngã Bảy, sao cô gái năm xưa chẳng thấy ra… chào”. Tôi quay đi và thấy những âm thanh kia như đang trôi dập dềnh trên mặt sông loáng thoáng ánh sáng mập mờ của sao khuya, của ánh đèn dầu tẻ nhạt và buồn tênh.

Tôi giựt mình thức dậy khi nghe tiếng mái chèo quạt nước. Nhìn ra sau lái, chú Đáp đang cố đẩy chèo trên dòng nước ngược. Nhìn quanh quất “bạn nhậu” đêm qua đâu mất tiêu mà trước mặt chỉ là con kênh dài hun hút và vài đám lục bình lơ thơ trôi giữa bình minh.

 

Ngọc Vinh

3 bình luận

  1. Thân chào bạn Ngọc Vinh, mình ko biết xưng hô với bạn như thế nào anh ,hay chị. Sắp đén Thôi nôi trang nhà mình sẽ có dịp gạp nhau để chia sẻ .Và tìm nhau trước lạ sau quen (mm đời thương hồ ) của bạn làm lòng tôi se thắt lại qua bao nhiêu năm thăng trầm của cuộc đòi hôm nay mới đọc đuọc những bài thơ trải lòng cảm on các bạn và các anh chị , thầy cô đã viết lên trang web này. Hẹn ngày 18/8 em sẽ đến đón chào thầy cô và các bạn chúc NV vui vẻ khỏe để viết tiếp những dòng thơ làm người đọc ấm lòng . Hưng-Hương. Thân mến chào bạn.

  2.            Ngọc Vinh mến ,Bàì  nào của NV viết mình cũng thấy  nó có mang 1 nổi buồn buồn của vùng làng quê sông nước vậy. Đọc qua mình liên tưởng đến ” ông già nam bộ”  tức là nhà văn mình yêu thích nhất kg ai khác chính là NV Sơn Nam . Những tuyệt phẩm của ông đã đóng góp rất lớn cho nền văn hoá nước nhà vào thế  kỷ trước và đến bây giờ.

              Nhân đây mình cũng xin chia sẻ cùng với tác phẩm của NV nhé:

                           THƯƠNG HỒ MỘT KIẾP

                   Bềnh bồng bao mảng lục bình trôi,

                   Gió chướng vi vu thổi liên hồi,

                   Dập dồn lượt sóng vung tung toé.

                   Một kiếp thương hồ, sống lẻ lôi.

     

                   Xuôi ngược qua từng mấy nhánh sông,

                   Theo nước con ghe, lúc lớn ròng,

                   Phập phền khi gặp cơn sóng dữ,

                   Trú tạm bên trong mấy xẻo bần.

     

                   Thuận nước, nhịp chèo suốt đêm thâu,

                   Trăng treo lơ lững tận đỉnh đầu,

                   Nhắp chén rượu nồng, ngâm” Thơ Lục ”

                   Hát cùng sương gió với mưa ngâu.

     

                   Mãnh đời lang bạt , số hẩm hiu,

                  “Gạo chợ nước sông”, túng mọi điều.

                   Lấy ghe làm nhà , thơ làm bạn,

                   Chấp nhận số phần, chẳng kêu rêu.

                                        CaLi _14 /7 / 2013

                              Hoài Thương .

                  

  3. Anh Chiến Nguyễn mến!

    Thật khâm phục tài ứng khẩu của anh, nhanh và đầy cảm xúc. Cảm ơn anh đã quan tâm chỉa sẻ với những bài viết của em. Hy vọng một ngày nào đó được gặp nhau ở tại quê hương mình! Chúc anh vui khỏe và thành đạt.

Trả lời chiennguyen (CaLi) Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
Xem tiếp...
nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

657
BỬU ƠI !
Bửu ra đi không là nổi bất ngờ với bạn bè. Cách đây hơn hai năm khi nhóm bạn bè Tống Phước Hiệp chuẩn...
CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...
h4
NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 9
Lượt truy cập: