Trung Học Chợ Lách

XÓM CÂU

Ngày đăng: 15/05/2013, 1:51 chiều, ý kiến phản hồi (11)

 Từ thi trấn Chợ Lách đến xóm tôi ở khoảng bốn cây số, qua một đoạn quốc lộ 57 đầy ổ voi ổ gà là đến con đường đá đỏ dẫn vào kinh Bổn Sồ. Kinh Bổn Sồ nằm giữa một nhánh sông phụ đổ ra sông Cổ Chiên. Ở đây, có thể thấy cồn Phú Đa nằm như chiếc lá chuối tươi trôi trên nước và có những mảng viền  màu hồng hồng mỗi khi chiều xuống. Có thể kể một chút về cái tên kinh “Bổn Sồ”. Ngày xưa- Ngoại tôi kể- có bà  bá hộ tên Bổn Sồ nuôi trâu đến  hàng trăm con. Mỗi lần cho trâu sang cồn Phú Đa ăn cỏ thường phải đi vòng cả cây số mới có nhánh sông ra. Để tiết kiệm thời gian, bà cho trâu đi ngang cái khém nhỏ. Trâu lội riết cái khém lở lần ra. Và rồi, ngày qua ngày, cái khém thành con rạch, xuồng ghe có thể qua được. Thế là con rạch dần thành kinh và mang tên Bổn Sồ từ đó. Kinh Bổn Sồ ngày xưa buồn lắm. Xóm kinh chỉ lác đác  vài nhà, hầu hết đều làm ruộng hoặc ai không có đất vườn thì nhập vào đoàn khách thương hồ ngược lên Long An hay vào tận vùng Đồng Tháp kiếm sống.

Sau năm 1975, nhà cửa ở xóm kinh mọc lên nhiều hơn nhưng dân ở đây vẫn còn nghèo. Dù được thiên nhiên ưu đãi nhiều mặt như nước ngọt quanh năm, đất phù sa màu mỡ, song quá lạc hậu với kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt nên cuộc sống cứ như con thuyền bập bềnh không hướng. Rồi, không biết từ lúc nào ở đây hình thành  một cái nghề: Câu tôm. Nghề câu tôm không giàu, đủ ăn nhưng rất nhàn hạ, lại không phải tranh giành, toan tính nên kéo rất nhiều người tham gia, nhất là những thanh niên mới lớn. Cả xóm vàm có khoảng hai chục chiếc xuồng câu tôm, không kể những người khác tới… câu ké. Câu tôm, ngoài việc đem lại một ít tiền trang trải cho cuộc sống, nó còn là thú tiêu khiển hấp dẫn đầy chất lãng mạn. Ngày trước tôm ở đây nhiều vô số kể. Chịu khó ngồi câu một buổi, mỗi người không dưới một ký tôm càng, tôm con thả lại sông cho nó lớn. Tuy nhiên, cái gì nhiều thì giá lại rẻ, đó gần  như là qui luật của thị trường. Và, nó cũng không phải thuộc loại “hạng sang” trong các bữa tiệc ở nhà hàng như bây giờ, mà lúc đó bất cứ một nhà nghèo nào cũng có thể có một nồi tôm kho tàu vào những ngày giỗ chạp hay  ba ngày Tết.

     Nghề câu tôm không cần phải có nhiều vốn. Một chiếc xuồng ba lá, một cần câu, một cái vợt đan bằng  nhợ và một cái rèm nếu vào mùa mưa. Thế là đủ cho một cuộc mưu sinh. Tháng chín, tháng mười khi đồng bằng vào mùa lụt cao điểm cũng là thời điểm các thợ câu chuẩn bị “ra quân”. Và, từng chiếc xuồng ba lá lặng lẽ chọn cho mình một vị trí thuận lợi trên sông để bắt đầu những giây phút chờ đợi chiếc phao nhỏ xíu trên sợi nhợ giật giật. Có lúc chỉ là  những chú cua lém lỉnh phá bĩnh làm các thợ câu nhăn mặt mà không nỡ giận cái trò đùa vô tâm của động vật đầy ngoe kia. Nếu là một con tôm càng nặng trịch thì ôi, tuyệt vời! Không ồn ào, không sôi động và cũng chẳng có gì chứng tỏ ảnh hưởng đến môi trường. Cả dãi xuồng ba lá có khoảng cách gần bằng  nhau như những anh lính đang xếp hàng, thỉnh thoảng có một anh đứng xà bát nhưng rất dễ thương vì tội  vô ý!

Những đêm trăng, khi làng xóm chìm dần trong cái im lặng cố hữu của vùng quê thiếu điện, khi những chú đom đóm trên đám bần nhấp nháy một cách đều đặn thứ ánh sáng mờ mờ và khi những chú tôm làm biếng đi ăn để các anh thợ câu ngồi ngáp thì bất chợt có một dự định từ ai đó phát ra thành dấu hiệu.

     – Buồn ngủ quá tụi bây ơi! Kè xuồng lại đi…

     Thế là không ai bảo ai, một chiếc làm trung tâm, những mũi xuồng khác xâu lại. Nhậu. “mồi” đã có sẵn, chỉ cần lột một  mớ tôm xé ra, chanh, ớt, bột ngọt và muối là được một dĩa “ tái” ngon lành. Uống rượu dưới ánh trăng sáng vằng vặc giữa bốn bề là sông nước, gió mây và tròng trành những cơn sóng nhỏ vỗ vào mạn xuồng lạch chạch quả là tuyệt vời! Khi đã ngà ngà say, ai đó nổi hứng làm một câu vọng cổ “Trời ơi bởi sa cơ giữa chiến trường thọ tiễn…” thì  những cái tay  bắt đầu đọng đậy, gõ nhịp. Và, càng về khuya, sương xuống, tiếng hát, tiếng gõ nhịp cốc cạch làm thức dậy những nỗi buồn xa xứ nếu có một khách thương hồ nào đó tình cờ đi ngang đây.

Tôi nhớ, có lần ông Hai Kim – một thợ câu có tuổi đời và tuổi nghề lớn nhất ở xóm này kể, rằng một ngày kia có anh thợ câu đến xóm này “ câu ké”. Thuở đó, những câu hò đối đáp còn đương thời. Cô gái đứng trên bờ thấy người khách lạ, mở miệng lấy hơi, ghẹo:

     – Phong thổ mồ tổ anh ở đâu

      Tới đây bủa lưới giăng câu có một mình?

     Anh chàng nhìn lên hơi “quạu” nhưng vẫn vui vẻ trả lời:

     – Phong thổ mồ tổ anh ở dưới Bang Tra

     Tới đây trú ngụ mồ tổ cha bên nàng

     Đòi vàng thì anh cũng cho vàng

     Cưới được nàng về anh cho hái rau heo

     Bị cú “ phản hồi” đau điếng nhưng cô nàng vẫn bình tĩnh chanh chua đối đáp:

     – Nhà anh có “ đách” chứ có heo

     Có một con mèo mà nhịn đói chết cha…

     Vậy đó, nghề câu tôm tồn tại với đủ thứ vui buồn ở cái xóm vàm hiu hắt. Và bây giờ…

…. Còn bây giờ khi tôi trở về, nếu như tôi không bất ngờ  nhìn thấy một chiếc xuồng câu phía bên kia sông có lẽ tôi sẽ quên và cái nghề câu tôm của xóm tôi chỉ còn là hoài niệm của ông Hai Kim, cậu Sáu Nuôi, cậu Năm Khọt…

     Ai câu bên ấy vậy , mẹ?

     Ông Hai Kim – mẹ tôi nói giọng buồn – còn cái gì đâu mà câu, người ta thuốc chết hết trơn. Còn một mình ông Hai mầy buồn không biết làm gì ra ngồi câu chơi nhiều khi cả  ngày chỉ được vài con tép.

     Cũng không thể trách, ngoài nguyên nhân có phần đáng trách của những người vô tâm khi đổ thuốc phá hoại nguốn lợi thủy sản, làm ô nhiễm môi trường nước, cạn kiệt cá tôm ở con sông nước ngọt như ở đây thì xóm tôi giờ đã có điện. Ruộng và vườn tạp đã trở thành vườn cây ăn trái đặc sản như nhãn, chôm chôm, sầu riêng… Người dân xóm vàm kinh Bổn Sồ không còn chạy ăn từng bữa. Lúc nông nhàn, họ có thể tham gia đủ các loại hình giải trí hiện đại. Nhưng, có một điều, Lâu lắm rồi cả xóm này chưa ai dám ăn một con tôm chứ đừng nói một nồi tôm kho tàu như xưa kia. Bắt được một con tôm chừng 100 gram người ta vội chạy đi bán vì nó tới những 10.000 đồng. Không như những vùng nuôi tôm đại trà như Thạnh Phú, Ba Tri, Bình Đại… Ở đây, đối với những đứa trẻ, con tôm quí lắm. Chúng nó đâu biết rằng ngày trước người ta có thể lột hàng ký tôm chỉ để phục vụ cho một buổi nhâu vu vơ…

Buổi chiều, tôi gặp ông Hai Kim khi ông bơi xuồng về nhà. Thấy tôi ông mừng lắm.

     – Thằng Phương, làm một xị mậy!

     Tôi đồng ý với điều kiện ông phải chở tôi ra giữa sông ngồi uống. Ông vui vẻ chấp nhận.

     Tôi mua nửa lít rượu và miếng khô đuối. Ông Hai Kim lặng lẽ bơi ghe ra giữa sông rồi cắm sào. Chiều sụp xuống thật nhanh, bóng tối pha lần lần cái mảng sáng yếu ớt còn sót lại phía chân trời. Tôi nhìn về phía cồn Phú Đa. Rồi đây Phú Đa sẽ có điện, rồi sẽ hiện đại như bao nơi khác. Những con đom đóm trên đám bần bắt đầu nhấp nháy, và lần này, những chiếc đèn đom đóm lại sáng hơn như tranh thủ một ít thời gian còn lại chứng minh giá trị ánh sáng của mình trước khi ánh sáng của dòng điện bừng lên lấn áp.

     – Lâu quá mới uống rượu giữa sông nước như vầy, nhớ quá!

     Giọng ông hai Kim thật buồn và tôi chợt nghĩ giá như ở dưới mặt nước yên lặng kia là một môi trường trong sạch cho những sinh vật phục vụ con người phát triển lành mạnh. Giá như người ta đừng tham lam, ích kỷ và vô tâm nữa thì bây giờ, sau một mùa vụ nông nhàn, những chiếc xuồng câu có thể xếp hàng trên sông hay chụm lại vui thú nhàn hạ bên bữa tiệc “ thượng lưu” giữa mênh mông sông nước. Và, biết đâu câu vọng cổ không nhạt nhẽo như tiếng hát của một ca sĩ nào đó ở chiếc radio trên bờ sông đen thẫm vào một đêm cúp điện.

                                                           Bài và ảnh Ngọc Vinh

 

11 bình luận

  1. Sau lời yêu cầu của Phương Chi, sáng nay Ngọc Vinh 12 (NK82) đã gửi cho trang nhà bài bút ký, trong đó có nói về KInh Bổn Sồ mà có lần nhà thơ Huỳnh Tâm Hoài đề cập đến. Về  tác giả , xin cung cấp thêm NV tên thật là Đào ngọc Vinh, sinh năm 1972, hiện sống tại ấp Hòa Thuận, xã Vĩnh Bình, Chợ lách , Bến Tre. Anh là hội viên Hội Văn học Nghệ Thuật Nguyễn Đình Chiểu Bến Tre. Đả xuất bản Xóm Câu, NXB văn nghệ 2006; Lội về phía không bờ . Tập truyện NXB Hội nhà văn 2012.

  2.             Hi hi , Thành thật xin lỗi Đào Ngọc Vinh, chắc do hôm đó trời nắng và đường xa nên ù tai nghe nhầm . Nhà thơ Phong Tâm giới thiệu về TÁC GIẢ  mà PC lại quên nên ghi nhầm lung tung Vậy Lội về phía không bờ sẽ được lần lượt đăng trên trunghoccholach.com chứ ? Rất mong !

  3. Gửi Dao Ngoc Vinh ! Chi Ngoc Thu xin chao , doc bai xom cau cua Ng Vinh , dua chi ve voi hình anh que nha , Ngay xua chi thương ở kinh Bon So , thường lam, luc ở nha ban la Tu Của , den Chich Chi , dung vay luc ấy dan ở Vam kinh con nghèo lam , Nhà  chi ở cau Song Lưu . Ngay xua que minh co tieng voi nhung người câu tóm  , di qua ben kia song Cai la cồn có ốc gao den 5/5 co mập ú , lể ra chấm nước mầm chanh hoặc cuon banh trang , có chút dua ram , thật tuyet voi , Ban nao them chua ? Chu Ngoc Thu thi dang nho  về mon ốc gao , va tôm kho tau cua NV ke day .  Vai hang lam quen voi em V . Người cung sống chung mot vam kinh . Than men ! Mong được phan hoi !!! 

  4. Da, em cảm ơn hai chị đã quan tâm! Chị Phương Chi mến! Lội về phía không bờ là một cái truyện vừa gần 70 trang sách cho nên giới thiệu trên trang nhà e rằng không tiện cho BBT và cả thời gian theo dõi của người đọc. Vì vậy, em sẽ lần lượt giới thiệu vài cái ký và truyện ngắn trên trang nhà để mong được góp ý. Còn tập truyện Lội về phía không bờ gồm có 8 cái truyện ngắn và một cái truyện vừa, như đã hứa, em sẽ gởi tặng chị khi có dip. Riêng chị Ngọc Thu, rất vui khi có người đồng cảm và chia sẻ với bài viết của em. Vậy là, quê hương vẫn luôn đau đáu trong mỗi người ở xa khi có dịp gợi lại! Mùa ốc gạo gần đến rồi nhưng năm nay sẽ không có ốc gạo để ăn vì những lý do khách quan lẫn chủ quan. Nếu chị nhớ, em sẽ “gởi ốc gạo” cho chị bằng một bài ký viết về nó, để chị đỡ thèm vậy mà! ( nếu không có gì bất tiện, chị cho em địa chỉ mail, em sẽ gởi qua cho chị). Chúc hai chị vui khỏe và thành đạt. (Ngọc Vinh).

  5. Chao Ngoc Vinh !!! Chi Ngoc thu rat Vui khi duoc phan hoi cua Ngoc Vinh , cho chi thu biet chut ve Ngoc Vinh , em o Khuc nao , chi qua cau Day , phia Ba Ngoi Di len mong co dip gap em , khi chi ve vn trong ngay Gan Day . Maill. Cua chi la Ngothusa @yahoo. Com . Chi mong nhan duoc bai em gui  . Than ai ! Ngoc Thu 

  6. Truyện Xóm Câu, NGoc Vinh viết hay quá…..Rất ngưởng mộ và đáng khen cho đàn e tuổi trẻ tài cao……Mình rất mong, sẽ được tiếp tục thưởng thưc những tac phẩm kế tiếp của Vinh trên trang nhà. Thân ái..

  7. Qua lời của vợ tôi là em của anh Năm Chiến, tôi được biết Ngọc Vinh là con của anh Hai Đ..Hồi đó khi tôi về ở xóm vàm kinh chắc Ngọc Vinh còn nhỏ.Tôi có dịp ghé nhà anh Hai và đôi lần gặp anh  tâm tình.Anh Hai cũng cùng ngành với tôi hồi trước năm 1975. Rất mến mộ những bài viết của Ngọc Vinh về các bài viết về xóm vàm kinh Bổn Xồ.Bức ảnh con đường xi măng dẩn từ Xã Vỉnn Bình,bây giờ có thể chạy suốt ra Cầu Lộ đi Chợ Lách rất nhanh bằng Honda….Tôi mới về lại xóm xưa vào dịp Tết vừa qua.Thân mến.HTH

    Bài thơ gởi tặng người xóm vàm kinh,

    Riêng tặng anh Hai Đ. vui tính và giúp bà con xóm vàm trị bịnh mát tay…

    Tặng anh Hai Kim uống rượu giửa dòng sông….

     

    Dòng kinh nhớ

    Qua xóm vàm kinh nói với sông

    Sông trôi mấy khúc đời xuôi ngược

    Giọt nước phù sa đọng bóng hình

    Con bìm bịp gọi hoài nước lớn

    Dề lục bình  tím nở trên sông

    Thuyền ai còn đậu ngoài vàm rộng

    Mơ những hồn xưa lớp triều dâng

    Nghe trong hơi gió lời đồng vọng

    Ngàn năm con nước vẫn chung tình

    Huỳnh Tâm Hoài

     

  8. Gui Anh Luận !!!! Cung mot dong song , Nhung co người nho de vui , de thương , con rieng em nho de buon , bởi mot dong song , mot ngã re cua cuoc doi !!!! 

    1. Thu ơi! mỗi người như con sông chảy đi…các ngã rẻ thì rất bất ngờ trên dòng chảy của định mệnh…có ai bơi ngược lại bao giờ đâu Thu…Chỉ là nhớ lại một đoạn khúc khi mình đã đi qua….Người lớn tuổi hay quay nhìn về về phía sau cuộc đời…Thôi cứ vui với cái hiện có…Thân mến.Luận

  9. Anh Luận men !!! Voi em , dong song cua que em va Chich Chi. Voi Chich don thuần la dong song hien hoa va day ky niem, que cha đất to , nhung voi em dong song do , bien em thanh qua phu , bien em thanh thân cò lặn lội , 35 nam ,  de bay gio em lam người tha hưong , nen moi lan nho den em lai quặn lòng , dong song da chon lap cua em mot mối tinh !!! 

  10. À thì ra đúng là Đào Ngọc Vinh lớp 10C1 rồi.

    Vinh ơi, bây giờ còn trắng trẻo thư sinh như hồi xưa không vậy??? hihihi …

    Nhớ Tết năm lớp 10 đi chơi vui thiệt, ghé nhà Vinh rồi nhà Hữu Vinh (lớp 10P của mình), sao đi bộ hay dữ vậy trời???

     

Trả lời tamhoai Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 50
Lượt truy cập: