Trung Học Chợ Lách

Xóm chùa

Ngày đăng: 24/02/2013, 8:33 chiều, ý kiến phản hồi (4)

 

Kính thưa thầy Đào Hữu Ngạn, Em là Nguyễn Thế Điển, học trò thi đệ thất năm “Một con ngựa đau, cả tàu không ăn cỏ”, 1964, lớp đệ Thất, Anh văn, Trường Trung Học Tam Bình. Hổm nay em được anh Lương Minh giới thiệu trang nầy, cũng là duyên may để biết tin và đọc được những dòng thơ của người thầy cũ. 
Học trò mạn phép gởi bài Xóm Chùa đến website trunghoccholach.com của quê hương thầy, ký lại đúng tên em trong khai sanh đi học. Bài nầy học trò viết dưới dạng truyện ký lông bông, mục đích tâm sự với bạn bè, bạn đọc trang lứa, hoặc trẻ hơn. Bài đã được đăng trên trang tongphuochiep-vinhlong.com của Lương Minh  ngày 22-5-2012, để bản thân em nhớ lại một khoảng đời xưa cũ. Trong bài có đề cập đến 3 vị thầy ẩn danh ở trọ một căn nhà tại Xóm Chùa. Quý thầy lúc ấy là thầy Tứ, thầy Bé và thầy Ngạn.
Em xin được kính tặng thầy bài viết tuy cũ nhưng gói ghém chút tâm tình của em trong đó. Như món quà đơn sơ đồng nội, như một kỷ niệm nhỏ lúc thầy còn dạy ở Tam Bình, và với tấm lòng biết ơn sâu xa công đức dạy dỗ của tất cả của quý thầy cô.
 

              Xóm chùa

        Nếu đặt cây cột mốc số 0 tại ngay mặt tiền nhà lồng chợ Tam Bình, thì nhà mình ở cột 300 mét và Trường Trung Học Phổ Thông Quận ở khoảng giữa cây cột mốc 900+45 mét. Ba địa điểm quan trọng của đời mình cùng nằm trên trục lộ duy nhất liên lạc với thế giới bên ngoài và với chợ Vãng Long vào những năm sáu mấy. Có lần, mình mượn mấy thằng bạn giỏi toán thử nối ba điểm đó lại xem sao, kết quả nó đưa ra cái đường dài chưa được km, không thẳng không cong mà lơi lơi y chang như trái me chua dốt.
        
        Nhà mình đối mặt xéo xéo với ngôi chùa thờ ông Quan Công, do dân bổn phố chợ nầy cùng nhau xây dựng nơi thờ phượng người anh hùng tiết nghĩa theo lịch sử từ quê hương xa xưa của họ. Sau năm 1963, chùa chiềng xây dựng cùng khắp như hoa nở mùa xuân. Và như một đóa sen tỏa sáng, nở lớn ngay giữa xóm mình, ngôi chùa Phật được rộn ràng xây dựng ngay khu đất
trước đây là trường Hoa ngữ, cạnh bên đền thờ Ông cũ kỷ. 
        Với cái trí óc của một thằng con nít mười một tuổi mấy vào lúc đó, mình không nhớ cái xóm dầy đặc dân cư dọc hai bên con lộ đá nầy được gọi là Xóm Chùa từ lúc có hai chùa, một chùa hay là khi chưa có chùa nào hết. Nhưng cho dù được gọi từ lúc nào, cái xóm thân thương cũng thắm đượm thịt da mình. Nhất là các kỹ niệm có được khi theo bước chân lôi cuốn của mấy thằng quậy phá, lục lăng lối xóm,
        Thằng Tí bạn mình, đang dòm lén qua vai, ngứa mắt chịu không nỗi, lên tiếng :
        – Tao thấy văn chương người ta hay viết, tình quê của họ thấm sâu tới tim gan xương cốt nội tạng, chớ đâu có lớt lớt ngoài da như kiểu xức dầu khuynh diệp mau phai mùi bạc bẻo của mầy.
        Mình định quay qua phang nó ít câu, nhưng luồng tư tưởng đang chuẩn bị tuôn trào, sợ gây gổ thì óc người dễ lợn cợn óc trâu. Hoặc không chừng ý tưởng vừa mới hình thành non trẻ, không chộp ngay thì nó ham chơi, bỏ đi không hẹn năm thìn nào trở lại.
        Dân ta cùng nòi Lạc Việt nên có nhiều điểm giống nhau thật dễ thương, nhưng có vài cái giống nhau cũng dễ giận.Ý là quanh năm lẫn quẩn chân ông táo mà mình cũng biết mấy xã xung quanh địa phương mình có vài ấp 1 hay ấp 5 trùng tên trùng thứ, nên mỗi lần nói tới tên ấp phải kéo theo tên xã đi kèm để xác định gốc gác. Quận nhỏ xíu nầy cũng không ngoại lệ, có những cái tên rất là phổ thông trùng lặp cả nước như Xóm Chợ, Xóm Chùa và Xóm Nhà Thờ, đã tạo thành quần thể sung túc cư dân, chợ búa và địa điểm thiêng liêng cho tinh thần người mộ đạo.
        Nghe tên gọi thì ai cũng biết ba xóm nầy chứa đựng những gì. Nhưng ít ai để ý cái tài sản tương lai của đất nước là đám học sinh, có mình và thằng Tí cũng đang lô nhô góp phần chen lấn. Người lớn nói với nhau, sau đình chiến thì thanh niên trai tráng ranh rỗi tay chân về quê cưới vợ sanh con. Khoa học gọi là bùng nổ con nít, còn mình chỉ biết, đám lóc cóc bằng tuổi của mình ở xóm nầy nhiều vô số. 
        Không biết mấy ông Tây nghiên cứu từ đâu mà tuyên bố một câu xanh lè xanh lét như vầy, con nít sanh ra là để quýnh lộn. Cũng không biết cái thiên tư nào mà đám nhóc tụi tôi tự biết hình thành thế chân vạc trong cuộc chiến tranh nhóc con dằng dai và gay cấn giữa ba xóm. Nhưng cái chân vạc Xóm Chùa của bọn mình lợi hại hơn cả vì nó thừa hưởng vị thế vô cùng hiểm ác. Đóng
dọc hai bên sạn đạo, huyết mạch yết hầu dẫn đến Trường Trung Học duy nhất quận nầy. Nên mấy thằng đệ Thất đệ Lục xuất thân từ hai chân vạc kia từng có ân oán giang hồ, hàng ngày đến trường phải nhiều phen bở vía, có bữa bỏ của chạy lấy người.
        Năm mình học đệ Lục thì không còn chơi thân thiết với đám quỉ chùa nữa. Mình lơ là với tụi nó bắt đầu những ngày mới lên đệ Thất. Hay đúng nhất là từ lúc mình và thằng Tí mon men làm quen với mấy ông thầy mướn nhà ở trọ, từ cửa nhà mình quẹo mặt vài căn là tới. Xóm nầy ai cũng biết căn nhà lợp ngói “ba căn” vách ván bổ kho, dàn cửa lá sách 4 cánh sơn màu đọt chuối Xiêm lúc nào khép hờ 2 cánh giữa. Và không ai biết phía sau cánh cửa im lìm có chứa bao nhiêu ông thầy và sinh hoạt gì trong đó. Lối xóm cho đó là u hồn cốc hay là vực sâu không đáy của mấy tay cao thủ ẩn cư thời Kim Dung lão tổ, vì người ta cứ thấy ông nào bước vô cánh cửa ấy, chờ hoài không thấy bước ra. Chỉ có mình và thằng Tí là không nghĩ như những người lối xóm  tò mò, bởi vì tụi tôi có lệnh tiễn ra vô bất cấm độc thân thành sầu của 3 ông Giáo sư Trung học. 
        Người ta lại cứ tưởng mấy thầy có phép tiên không ăn không tắm mà da thịt vẫn hồng hào thơm tho như Đường tăng trong Tây du ký. Mình biết các nhu cầu cho sinh hoạt trần tục của cốc nầy đều diển ra phía cửa sau căn nhà, thông ra con hẻm nhỏ. 
Hằng ngày có người gánh nước đổ đầy cái xi-tẹc bằng gạch xây dung tích chừng hai mét khối. Đúng giờ cơm hai buổi cũng thấy
một bà mang thức ăn dâng thầy khi còn bốc khói. Chiều tối, có ông sồn sồn chân trái ngắn hơn chân kia một chút, đến thu hồi chén dĩa dơ và quần áo quý thầy mặc trong ngày. Còn mình và thằng Tí cũng đóng góp chút công lao lo cho sức khoẻ của quý thầy. Từ việc đi mua cục nước đá hay gói Capstan ở quán bà Năm trước cửa chùa Quan Đế. Cho đến 100 cà-ram cà phê hột xay tại chỗ, 50 cà-ram trà Thiết Quan Âm, 200 cà-ram đường cát trắng Hiệp Hòa, tất cả phải xuất xứ từ tiệm tạp hóa Cẫm Suôi chợ Quận. 
        Để tưởng thưởng công lao sai vặt, tụi tui được phép đọc tất cả sách báo giải trí của quý thầy, chỉ trừ sách in bằng ngoại ngữ, cho dù chưa có lệnh cấm rờ vào loại văn chương lạ hoắc đó. Do thói quen đọc sách võ hiệp từ thuở mới biết mặt chữ, bây giờ lại được quý thầy chỉ điểm tận tình. Văn chương của mình lần lần nghe được, mặc dù chưa bằng thằng Tí do nó có năng khiếu bẫm sinh. 
        Lên đệ Ngủ thì mình không bỏ qua một thông cáo mỗi dịp gởi bài cho báo xuân, báo tường. Cũng từ đó mình đâm giận luôn câu “cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu”. Bởi vì mình thức đêm viết rất nhiều mà đăng không được bài nào. Nhiều khi thằng Tí thương tình, trả lại những tờ giấy đôi học trò có tuồng chữ nắn nót của mình, sau những lần đi đổ rác dùm nhà thầy. Thấy cái tướng buồn hiu “không nói một lời, dù chỉ một lời không đáng chi” của thằng Tí. Mình cố gắng làm sao để thầy mình phải đem đăng báo trường, không nhọc lòng thằng Tí cứ lâu lâu mang đi đổ.
        Chẳng bao lâu thì dòng đời cuốn trôi tan tác, đám học trò láo nháo như gà con lạc mẹ, tự mưu sinh kiếm sống. Lúc đó văn chương không cần như gạo nên thiên hạ quên rằng ai cũng có chút văn chương chôn dấu trong người. Lúc đúng thời, đúng chỗ  thì đám văn chương văn nghệ đó có dịp tuôn trào. Những năm gần đây mình cũng có dịp tuôn ra như vậy. Cho đến khi gặp lại những thầy xưa trong lần họp lớp những năm gần đây, dòm lại thì mấy thầy trò cùng mang tóc bạc. Vẫn những giọng nói đầm ấm thân thiết ngày xưa. 
        – Thầy có xem mấy bài ký tên Lí Lắc. Hồi đó, văn của em tuy chưa được sự chú ý của thầy cô nhưng đâu kỳ lạ như bây giờ. Thầy không biết nói sao, có lẽ dùng hình ảnh cốt vượn bọc da khỉ là tương đối nhất.

        Quý thầy đâu hiểu mà thông cảm cho mình, tụi tôi tái nhập xóm cũ sao bao năm tha hương. Dĩ nhiên thầy mình quá biết cái Xóm Chùa nầy có hằng bao thanh niên lông bông cà khịa, lếu tếu cùng trang lứa. Ngày xưa thì tụi tôi ngoài vòng ảnh hưởng của đám bạn lối xóm vì nhờ có sự dạy dỗ kềm cặp của quý thầy, hưởng chút gần đèn thì sáng. Bây giờ vì cái xóm đông đúc dân cư bát nháo ồn ào nầy không còn ba ông Giáo sư ngự trị cô độc thành sầu. Do đó mà tình cảm, tập quán của Xóm Chùa tự do xâm nhập vào xương cốt mình và thằng Tí hồi nào không ai hay biết. Còn sót lại trong tụi tôi là những tri thức căn cốt đã được thầy cô truyền lại, chưa bị nhạt phai nhiều lắm lắm.

Em mong nhận được mọi tâm tình và chỉ dạy của thầy và quý thầy.
<[email protected]>

Nguyễn Thế Điển


Chùa thờ ông Quan Công ở Thị Trấn Tam Bình (xóm Chùa). Chùa được lập nên bởi cư dân xóm Chùa và xóm Chợ. Người viết bài chỉ biết chùa đã có mặt từ những năm 1960. Nhà trọ của thầy Đào Hữu Ngạn là căn thứ 3 cùng dãy, nếu bắt đầu từ chùa đi vào trường Trung học. Ảnh: Phước Trung

Chùa thờ Phật, được phần lớn dân chúng khu vực Thị Trấn Tam Bình và phụ cận xây dựng khoảng năm 1964. Chùa được tu sửa nhiều lần, trông rất khang trang và uy nghiêm ngày nay. Địa điểm cạnh bên chùa Quan Đế, xóm Chùa, Thị Trấn Tam Bình.

 

4 bình luận

  1. Bài viết hay và “độc” quá !

    Anh Điển ơi ! Báo tường anh viết bằng giọng văn này phải không ? thảo nào Thầy chẳng cho vào sọt rác …Hồi ấy em có theo thằng Tí nhặt lại bài của anh thì thấy nó lem nhem hết hà, anh có biết vì sao không, hình như lúc đọc Thầy cười chảy nước mắt như em bi giờ nè nên bài vở bị hư hết làm sao mà đăng lên báo tường hở anh ???

  2. Chào Kim Thơi và các bạn đọc,

    Cám ơn KT cho lời bình luận. Tui có mấy người bạn dân bắc di cư 54. Tui hay nói  giởn với họ như vầy, cái nầy độc hơn thịt “dịt” à nghen.

    Chắc hồi xưa quý thầy dạy trường tui có người bị dị ứng với vịt Xiêm lai.

    Lí Lắc.

  3. Anh Lí Lắc ơi ! Độc ở đây là độc chiêu, độc quyền, độc …nhất vô nhị chứ không phải là độc địa đâu anh. Mong rằng với cùng người chủ biên 2 trang web của chúng ta sẽ có những gắn kết bền chặt và thâm tình anh nhé !

    1. Chào Kim Thơi và các bạn,

      Hồi lâu lắm, ba tôi hay rút vài câu thơ Kiều, Cung Oán Ngâm Khúc ngâm nga trước mặt tụi tui như vầy :

      “Giết nhau chẳng cái Lưu Cầu/ Giết nhau bằng cái âu sầu độc chưa”

      Tui lẹ miệng trả lời, con đọc rồi ba.

       

Trả lời Kim Thơi Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...
tải xuống
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN
VẼ RỒNG ĐIỂM NHÃN chữ Nho là HỌA LONG ĐIỂM TINH 畫龍點睛. Thành ngữ nầy có xuất xứ như sau : Theo “Lịch...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...
h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
432768164_3690210511220678_6615087176361817088_n
BÁN SÁCH GÂY QUỸ KHUYẾN HỌC TRẦN VĂN KHÊ
Cuốn sách “Trần Văn Khê – Trăm năm Tâm và Nghiệp” dày 360 trang gồm 58 bài viết của 50 tác giả...
Truong Phu
CHÚC MỪNG SINH NHẬT THẦY TRƯƠNG QUỐC PHÚ
Ngày 21/3 là sinh nhật Trương Quốc Phú, GV Pháp văn trường THCL, anh hoạt động trong lãnh vực âm nhạc...
nem lui
11 Món Việt vào danh sách "đồ ăn đường phố ngon nhất Đông Nam Á"
Xôi, phở, bánh mì, bánh cuốn, nem lụi Việt được gọi tên trong “100 món ăn đường phố ngon nhất Đông Nam...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 15
Lượt truy cập: