Trung Học Chợ Lách

Ai bảo chăn trâu là khổ ?

Ngày đăng: 18/09/2012, 6:16 chiều, ý kiến phản hồi (0)

 

Thầy Võ Hiệp vừa gửi cho Lương Minh một truyện ngắn. Bài này là một trích đoạn của truyện dài Tuổi Thơ và Chiến Tranh đang đăng mạng Việt Học, mời các bạn cùng xem (LM)

 

Mùa hè năm đó, nông trại nhà tôi mở rộng bằng cách khai phá thêm đất mới để trồng thêm sắn (khoai mì), khoai lang độn vào cơm. Việc khai phá đất mới cũng là vấn để đầy gian khổ vì phải phát cây rừng, moi gốc, làm cỏ cuốc đất…mà đất đồi thì cứng như đá. Nhiều khi cuốc phải đá ong, một loại đá mầu nâu đỏ, có nhiều hạt nhỏ và cứng như gang làm mẻ cả cuốc.  Nhà tôi cần thêm nhiều người giúp việc.

Nhân dịp mùa nghỉ hè, chúng tôi làm việc đồng áng từ sáng cho đến tối như các nông dân khác. Trong thời gian hè, buổi sáng tôi làm việc đồng áng, còn buổi chiều tôi cùng anh Quỳnh bắt đầu đi chăn trâu bò, thay cho anh Ước, để cho anh ta có thì giờ làm việc khác ở nhà.

Anh Quỳnh, tên thật là Trần Ngọc Quỳnh là anh em bạn dì của tôi và lớn hơn tôi năm tuổi.  Dì Lan -mẹ anh Quỳnh- gởi anh lên nhà tôi để học việc chuẩn bị cho gia đình bà sắp sửa dọn nhà lên Tân Phúc.

Sau bữa cơm trưa, Quỳnh cùng tôi lấy nón lá, gậy rồi chuẩn bị đuổi trâu, bò lên rừng. Anh Quỳnh từ trước chiến tranh là công tử và có nhiều sáng kiến. Anh đề nghị với tôi lấy một cái chiếu nhỏ, trải lên mình con Thiến để cỡi mà không bị dơ. Có lẽ anh nghĩ con trâu đen thùi thì dơ hơn con bò lông vàng, nhưng nó khỏe hơn nên cỡi tốt hơn. Cũng có thể Quỳnh vốn sống trong gia đình khá giả lúc thiếu thời, đi chăn trâu thấy mình nó đen thùi thì sợ cỡi lên mầu đen của nó dính vào da làm anh thành người da đen Phi Châu, nên anh lấy các chiếu nhỏ lót lên rồi mới ngồi lên trên. Đúng là công tử cỡi trâu.

Những ngày đầu tiên tôi thích thú lắm, vì đó là giấc mơ của tôi. Nếu mọi chuyện êm đềm diễn tiến thì chăn trâu quả là thanh bình vui thú đúng như bài hát: Chăn trâu. Còn gì vui thú hơn khi ngồi vắt vẻo trên mình trâu, trong những ngày xuân mát mẻ, hoa sim nở tím ngắt khắp đồi này sang đồi kia (chắc đây mà nơi đã xuất phát bản nhạc Những Đồi Hoa Sim của nhà thơ Hữu Loan). Còn gì thú vị hơn khi chạy nhảy trên các quả đồi thoai thoải, trong các buổi chiều tà của mùa hè để hái các trái sim chín tím mọng, ăn ngọt và thơm.

Tuy nhiên, chăn trâu không phải lúc nào cũng êm đềm như tiểu thuyết hay bài ca vì ngày không lúc nào cũng đẹp, thời tiết không luôn luôn mát mẻ ấm áp. Nếu như chỉ chăn một hai con trâu như trẻ trong làng thì có lẽ đã không khổ lắm, đàng này chăn nguyên một bầy 20 con như chúng tôi thì lại là vấn đề khác. Những khi trâu bò ăn lúa, chạy bậy chúng tôi phải đuổi chúng trở lại đàn. Một sự đau khổ nhất cho chúng tôi là chăn trâu mà không có giầy dép gì cả. Khi phải đuổi theo trâu qua các bãi ràng ràng cháy, gốc chúng đâm vào chân như chông đâm làm máu chảy dầm dề.

Ràng ràng là một loại ráng, thân to như cây nhang (hương), mầu nâu vàng, cao khoảng 1 m. Người miền Bắc thường lấy thân cây kết thành rế đựng nồi, niêu…Vào mùa thu, đông cây héo, dân địa phương hay đốt để mùa xuân có cỏ non cho trâu bò. Ràng ràng mọc sát nhau, thành mảng chiếm cả ngọn đồi hay vài ba đồi liên tiếp, nên lúc bị đốt chúng có thể cháy cả ngày. Cháy xong, thân và lá không còn gì, nhưng chỉ còn gốc cao độ 1 phân. Và với độ dài này gốc đốt cứng như gỗ và trở thành bàn chông. Đó chính là một bãi chông thiên nhiên. Thật ra chẳng ai ngu dại mà đi vào bãi chông ấy, nhưng vì sợ trâu bò bị lạc khi chúng hục hặc nhau, nên đành liều mạng chạy theo chúng.

Lúc bình thường, chúng tôi cưỡi trâu Thiến đuổi con nghé cái và đàn bò độ 20 con vào rừng cách nhà độ hơn 2 cây số về hướng đông. Rừng này có tên là Cây Si vì giữa rừng có một cây si mọc ở bờ một cái hồ sen lớn. Vì vậy chúng tôi đặt tên rùng này là rừng Cây Si. Cái hồ này khá rộng, thông với cái đễn đầy trăn rắn phía đông của làng. Nó chính là đường phân chia thiên nhiên của thôn tôi và thôn Đăng Lâu, vỉ thế bên kia hồ là những đồi cỏ của thôn Đăng Lâu.

Trong rừng hầu hết là lau lách, lá sắc như dao cạo, nhưng trâu bò thích ăn lắm. Cũng vì lá sắc, lại ít cỏ nên dân làng không mấy thích chăn trâu nơi đó. Mặt, mũi, chân, tay tụi tôi thường bị lá lau cắt chảy máu khắp nơi. Chen lẫn với cỏ lau là các cây hoang um tùm và dây kim cương, một loài dây leo có gai lớn hơn gai hoa hồng.

Khi trâu, bò đến nơi chúng tôi để chúng ăn cỏ rồi hai anh em đi hái sim chín đầy mấy túi. Sau đó, hai anh em leo lên cành cây si de ra mặt hồ, vừa ăn sim, nói chuyện vừa nhìn trâu, bò. Trong hồ có rất nhiều sen, nên chúng tôi có thể thưởng thức mùi thơm của hoa sen khi trong coi trâu. Kể ra thì chăn trâu kiểu đó cũng khá thơ mộng, nếu không có các tai biến khác.

Một buổi trưa, Quỳnh có một sáng kiến mới.

Anh bàn với tôi:

– Hiệp! Tao có một ý để làm mình khỏi phải đuổi bò nữa.

Tôi hỏi:

– Ý gì vậy anh Quỳnh?

– Dễ lắm.

Anh chỉ vào con nghé cái:

– Bây giờ mày cầm dây giữ con Thiến lại, còn tao đánh con nghé cái. Nó sẽ lồng lên đuổi đàn bò chạy về hướng rừng Cây Si. Sau đó tao với mày chỉ việc cỡi trâu Thiến thủng thẳng mà tới.

Tôi không ngờ ông anh tôi thông minh quá như vậy. Anh là dân thành phố chưa chăn trâu bao giờ mà nghĩ ra những điều dân mục đồng chính cống chẳng bao giờ nghĩ ra. Thông minh vẫn trên hết. Thấy ý hay  nên tôi gật đầu đồng ý liền.

Tôi cầm dây giữ trâu, còn anh Quỳnh bắt đầu gom đàn bò đến phía trước con nghé cái, hướng về rừng Cây Si. Việc gom bò xong anh đánh con nghé cái. Quả nhiên con nghé đuổi đàn bò chạy về phía rừng Cây Si. Sự kiện đó làm tôi càng phục anh sát đất. Hai anh em bắt đầu leo lên lưng con Thiến để đi theo đàn bò.

Con Thiến đi được một quãng, thì bắt đầu bước đi thật lẹ làm chúng tôi ngửi thấy mùi nguy hiểm và chỉ một vài giây sau nó bắt đầu lồng theo bầy. Tôi ngồi phía trước anh Quỳnh, cầm dây cố ghì đầu trâu lại.

Miệng hai thằng tôi cùng hò hét:

– Thiến họ ! Thiến họ!

Hai anh em cùng cố sức dùng tay, chân quặp lấy mình trâu. Nhưng khổ thay con Thiến là một con trâu lớn xác, ít khi có con nào lớn như vậy, mà tôi thì nhỏ nên chân tôi quặp không được 1 phần 3 mình trâu. Tôi có cảm tưởng như đang đằng vân giá võ; cây cối thi nhau chạy vùn vụt ngược chiều; đất thì lúc thấp, lúc cao; bên tai gió thổi ù ù; thân chúng tôi tung lên hạ xuống; ruột gan chạy ngược lên ngực. Tôi nghĩ chắc là đang theo chân Tôn Ngộ Không đi đánh quỷ sứ. Chỉ một phút sau, tôi bị hất văng ra khỏi mình trâu, rơi xuống đất như trời giáng, rồi chẳng biết gì nữa.

Chẳng biết bao lâu, tôi cảm thấy mặt ướt khi mở mắt tôi thấy con Thiến đang đứng bên cạnh hít hít vào mặt tôi. Không ngờ một con vật lại quí mến và lo cho sự an nguy của chủ nó như vậy. Nhiều khi con người cũng không bằng.

Cùng lúc ấy tôi nghe tiếng Quỳnh rên hừ hừ ở sau một bụi cây nào đó:

– Hi..ệ..p ơi!… Hi…ệp ơi!

Tôi đau quá trả lời không nổi.

Tôi cũng không ngờ rằng anh đã ngã sau tôi một chút.

Một chặp sau, tiếng anh ấy lại vang lên:

– Hi..ệ..p ơi!… Hi…ệp ơi! Mày…ở đâu?

Tôi gắng gượng trả lời:

– Em…đây.

Tôi thấy anh ta chui ra khỏi bụi cây, khập khiễng đi về phía tôi. Anh ngồi xuống cạnh tôi, rồi hỏi giọng bình phục phần nào:

– Mày…có sao không?

Tôi ngồi dậy sờ mó khắp nơi, may quá chẳng thấy chỗ nào có triệu chứng bị gãy xương.

Tôi trả lời:

– Chỉ thấy đau khắp nơi nhưng không sao.

Thật may phúc cho chúng tôi, chung quanh đó nhiều cây bị chặt làm củi, đưa gốc nhọn hoắt như chông, vậy mà khi ngã xuống chúng tôi không bị chúng đâm thủng ruột. Hai đứa tôi đi tìm cái chiếu nhưng không thấy đâu cả, nên đành dắt trâu đi về rừng Cây Si. Đi được một quãng, chúng tôi đều cảm thấy mỏi mệt và đau quá, nên lại leo lên lưng trâu. May sao con Thiến lần này không lồng nữa, có lẽ nó biết chủ nó sẽ bị nguy hiểm.

Khi đến nơi, chúng tôi không thấy bò và con nghé cái trong rừng Cây Si, mà thấy chúng đang gặm lúa ở cánh đồng bên kia đồi cách rừng, khoảng hơn nửa cây số. Hai đứa hoảng hồn, quên cả đau, chạy xuống ruộng đuổi đàn bò lên phía rừng Cây Si, tuy nhiên cả đàn bò cũng đã quất một nửa ruộng lúa rồi. Khổ cho ai là chủ cái ruộng đó!

Khi đã an bài mọi việc, hai anh em leo lên cây si ăn sim, kể lại lúc ngã trâu. Sau những lúc cực khổ, hai đứa tôi cảm thấy sung sướng ngồi dưới tàn si hóng những ngọn gió hây hây từ mặt hồ sen đưa vào trong không khí nóng bức của mùa hè.

Anh Quỳnh đột nhiên hỏi:

– Hiệp! mày có thấy con nghé cái đâu không?

Tôi nhìn quanh một lúc rồi nói:

– Tôi chẳng thấy nó đâu cả. Để tôi leo lên cao coi nó ở đâu?

Nói xong, tôi nhanh nhẹn leo lên ngọn cây.

Tôi nói:

– Tôi thấy một bụi lau xa tít rung rinh. Có lẽ nó ở đó.

Hai đứa tôi chạy về phía bụi cây, lấy gậy đập vào các bụi rậm để đuổi con nghé ra. Quả tình, chỉ vài giây sau con nghé chạy ra. Đột nhiên con nghé lồng lên dữ dội, cùng lúc đó tôi nghe tiếng vo vo.

Quỳnh hét lên:

– Ong! Ong! Chạy!

 Tôi cắm đầu chạy theo anh ấy, và cảm thấy nóng như bị bỏng ở cổ và tay.

Đến ven hồ, Quỳnh la:

– Nhảy xuống hồ, Hiệp!

Cả hai đứa cùng nhẩy xuống hồ, chẳng để ý đến gai sen cào. Chúng tôi lặn thật lâu để cho ong bay đi. Để chắc ăn, người không bị nổi lên rồi bị ong đốt, tôi dùng hai tay thọc sâu vào gốc sen. Một lúc sau, chúng tôi nhoi người khỏi mặt nước rồi leo lên bờ. Mỗi đứa đem theo vài con đỉa. Chúng tôi đã học được một bài học quí giá của sự chăn trâu.

Quỳnh thấy tay tôi cầm một cục đen đen, nâu nâu đầy bùn hỏi:

– Mày cầm cái gì vậy?

Tôi cũng quên mất lúc thọc tay vào gốc sen, lúc nhô lên thở móc luôn cái phần gốc của cây sen.

Tôi trả lời:

– Lúc nãy, em lôi nó lên từ gốc sen.

Quỳnh vui quá, cười:

– Ồ vậy đây là củ sen đó. Cái này ăn mát mà đỡ đói.

Anh đem củ sen xuống hồ rửa rồi chia cho tôi một nửa rồi cùng ăn. Tôi thấy vị ngọt ngọt và mát.

Từ đó lúc trời nóng nẩy, anh em nhảy xuống hồ móc củ sen ăn.

Có lẽ ông nhạc sĩ Phạm Duy, lúc ở vùng kháng chiến, trong một buổi chiều mát mẻ, ngắm một cậu mục đồng cầm ống sáo, ngồi vắt vẻo trên mình trâu nên đã sáng tác ra bài nhạc “Em bé quê” với những câu  “Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ. Ngồi mình trâu phất ngọn cờ lau, miệng em hát nghêu ngao…”. Thật ra không phải riêng nhạc sĩ, mà một số họa sĩ cũng đã vẽ nên những bức tranh êm ả của cuộc đời mục đồng. Chẳng ai hiểu nổi các cơ cực lúc trâu lạc, bão tố hay lúc trởi nóng như thiêu mà phải chạy theo trâu lồng.

Năm 1961, khi ngồi học bài nghe vẳng vẳng bài hát trên, tôi đã làm bài thơ:

Võ Hiệp

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Trên mạng Việt Học http://www.viethoc.org/phorum/read.php?20,50168,page=29

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
Xem tiếp...
nGHD NEO
50 năm ‘vương quốc nail’ của người Việt
Năm 1984, Thảo lên chuyến tàu vượt biển để đi khỏi Việt Nam. Cô chưa biết mình đến được đâu, nhưng cô...
Xem tiếp...
VietKitc
 TẾT THA HƯƠNG
Tôi chuẩn bị định cư ở Hoa Kỳ với tâm trạng hồ hỡi,phấn chấn.Trong tôi, hình dung nước Mỹ với bao điều...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...
h4
NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn...
Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 4
Lượt truy cập: