Trung Học Chợ Lách

Cấy lúa (bài 3)

Ngày đăng: 01/04/2014, 9:18 sáng, ý kiến phản hồi (2)

Ở bài 2 ( Thuê trâu cày ruộng ), hình minh họa một người nông dân đang bừa ruộng. Người nông dân lội theo trâu, không đứng trên bừa. Đây là hình ảnh làm ruộng ở miền Bắc, chỉ sử dụng một con trâu trong công việc, dù là cày, bừa, trục, cộ. Có lẽ do ruộng ở nơi ấy thường là những mảnh nhỏ, không tốn nhiều công trâu. Ở miền Tây ( Nam bộ ) trái lại, ngoài cộ lúa, các việc khác đều bắt một cặp trâu cùng làm. Như vậy sẽ nhẹ bớt cho trâu và trâu làm bền hơn. Tháng 6 đã có mưa già. Tháng 7 mưa dầm. Nước rong ngày rằm, ngày 30 cũng đã tràn lên ruộng. Mạ cũng đã được gieo ngoài 2 tháng tuổi, người ta chuẩn bị cấy.

Đầu tiên là các công việc o bế, sửa sang bờ ruộng kết hợp giựt chân bờ. Khi trâu cày ruộng, hay làm bất cứ việc gì khác trên đồng, người ta luôn đánh trâu theo giọng ví, nghĩa là cho trâu đi theo chiều ngược chiều kim đồng hồ. Đi theo chiều ngược lại là giọng thá. Cây cày trâu kéo luôn luôn nhả đất về bên phải để lớp đất cày nhả ra không lấp phần đất chưa cày và vì vậy, luống cày đầu tiên luôn ập đất sát chân bờ. Việc nầy làm trở ngại trục ruộng. Do đó người ta phải dùng cuốc giựt luống đất nầy ra, đồng thời cuốc lật luôn lớp đất ruộng sát chân bờ mà trâu không cày được.

Bờ bọng sửa soạn xong, ruộng đã cầm giữ nước. Mặt ruộng không bao giờ bằng phẳng. Các ông nông dân thấy rằng, ruộng bằng phẳng thì lúa trúng hơn nên thường dành thời gian nầy cho việc phá gò. Tức là đem đất ở chỗ cao xuống chỗ thấp, lấy mực nước trong ruộng làm chuẩn để biết thấp cao. Ruộng ngày xưa có những gò, những vũng mà phải phá, lấp kiên trì nhiều năm mới hết.
Xong hoặc là tạm xong công việc phá gò, nước nôi trong ruộng đã lấy vào đầy đủ, còn dăm ba bữa nữa tới ngày cấy, người ta cho trâu trục ruộng. Có những miếng ruộng rộng đôi ba chục công, nếu chỉ dùng một, hai đôi trâu thì trục tới chừng nào mới chín đất !? Nên trong giới chủ trâu có lệ vần công với nhau. Hôm nào tui trục cho miếng ruộng lớn quá, một mình trâu tui làm không xuể, anh đem trâu tới giúp, không tính tiền bạc. Khi nào anh cần, tui đem trâu trả công. Tập hợp như vậy, có khi lên tới 6 – 7 đôi trâu. Kéo đi hàng dọc đùng đùng trong ruộng, coi thiệt đã!

Nhổ mạ

Mạ lúa mùa gieo hai tháng tuổi cao lắm. Đứng trong ruộng, mạ có khi cao tới lưng quần. Người đi nhổ mạ phải có cái ghế nhổ mạ. Ghế nhổ mạ là một cái bàn vuông, mặt chừng 7 tấc, lợp bằng những thanh tre nhỏ. Ghế chỉ có một chân, đầu nhọn để cắm vững vào đất ruộng. Người nhổ mạ hai tay quơ, tóm lấy mạ nhổ mạnh lên, đập mạnh vào ống quyển chân cho văng hết bùn đất còn bám theo rể mạ, để lên trên ghế rồi nhổ tiếp. Độ chừng đủ một bó mạ to to, có đường kính ở chân khoảng 5 – 6 tấc thì bó mạ. Bó mạ bằng một cọng cỏ tranh, được chủ ruộng chuẩn bị sẵn. Cột bó mạ cũng có cái mẹo riêng. Vòng cọng tranh quanh bó mạ ở khoảng 2/3 thân, vòng thứ nhất đầu nầy nằm ngoài thì vòng thứ hai đầu đó phải nằm trong, xong rồi siết mạnh. Bó như vậy, bó mạ không cần ngoay cột mà vẫn không sút, sổ. Tiện cho việc gánh chuyển đi xa. Nếu mạ cao quá, khi bó xong người ta dùng lưỡi hái cắt bớt ngọn mạ.

Đo đất chia công

Đơn vị diện tích đất ở miền Tây được tính bằng công. Công chính thức của Nhà nước ban bố là 1.000 m2. Trong dân gian, công chuẩn lại là 144 tầm vuông, còn gọi là công 12. Công 12 là một miếng đất hình vuông, mỗi cạnh dài 12 tầm, được dùng làm đơn vị đo đất trong mọi giao dịch ( mua bán, sản xuất…) Nhưng riêng trong việc thuê người cấy lúa, người ta sử dụng công 10. Công 10 là miếng đất hình vuông, mỗi cạnh 10 tầm. Tầm là sao? Tầm là một đoạn tre hay tầm vông, thiệt thẳng, dài đúng 3m, được gọi là tầm lớn. Tầm nhỏ ( tầm điền ) chỉ dài 2,5m. Như vậy, một công 12 tầm lớn là 1.296 m2, công 10 là 900 m2. Muốn đo 1 công đất 1.000 m2, người ta đo 1 công 12 với cây tầm dài 2,633 m, cây tầm nầy nông dân gọi là tầm nhà nước.
Trong việc cày trục đất, cắt lúa hay mua bán, đơn vị đo đất là công 12 và tầm 3m. Với chuẩn tính toán là 12 (144 tầm vuông), người ta dễ dàng đo ra 1 công đất. Nếu một cạnh là 4 tầm thì cạnh kia 36 tầm, một cạnh là 6 tằm cạnh kia là 24 tầm, một cạnh là 8 tầm cạnh kia là 18 tầm .v.v… Nếu một cạnh đo lẻ, thì gia giảm cạnh kia, dựa vào khung số đó.
Đo công cấy lại khác. Không biết tại sao? Có lẽ cấy là công việc nặng nhọc và người xưa ý thức được, cấy lúa kỹ lưỡng cho năng suất cao nên công cấy lúa chỉ là công 10. Thêm nữa, người ta mặc định với nhau, nếu bỏ cây tầm nằm dài theo hàng lúa thì từ đầu tầm nầy đến đầu tầm kia phải có đúng 9 bụi lúa, không đủ 9 bụi đương nhiên bị nhắc nhở mà nhiều hơn 9 bụi cũng bị nhắc, cấy thưa ra.
Với cây lúa mùa dài ngày, thân cao to xồm xoàm, tầm đo công cấy là tầm 3m.Với cây tầm nầy, khoảng cách giữa 2 bụi lúa là 3m : 8 khoảng (đủ 9 bụi lúa) là 0, 37 m, thích hợp cho cây lúa phát triển. Sau nầy, khi có cây lúa Thần Nông, ngắn ngày, thấp giàn, khoảng cách trên thưa quá, người ta đo công cấy bằng những cây tầm ngắn hơn. Đo bằng cây tầm ngắn hơn, công đất sẽ nhỏ hơn, nhưng số bụi lúa trên công vẫn như nhau vì cây tầm ngắn vẫn phải đủ 9 bụi lúa. Tùy theo giống lúa, độ màu mỡ của đất đai, khi cấy lúa Thần Nông, chủ ruộng sử dụng những cây tầm 1,6 m (khoảng cách 2 bụi lúa là 0,2m), rồi tầm 1,3m , tầm 1,2 m. Phức tạp như vậy, nên khi bước vào ruộng cấy lúa Thần Nông, người thợ cấy đều phải hỏi, cấy tầm thước mấy?
Những công cấy đo xong được cặm ranh bằng những cây sậy, gọi là cây bông tiêu. Hàng bông tiêu phân ranh giữa 2 công đất, đòi hỏi phải được cặm thật thẳng.
Đo đất xong thì giâm mạ. Giâm mạ là rải đều các bó mạ trong ruộng. Việc nầy đòi hỏi tài ước lượng của chủ ruộng. Nếu thưa quá, mạ không đủ cấy, phải xách thêm vào. Còn dầy quá, dư mạ lại phải xách ra. Rất tốn công.
Khi thợ cấy đang làm việc thì chủ ruộng phải luôn luôn có mặt để sẵn sàng thêm hoặc bớt các bó mạ nhưng cái chính là kịp thời nhắc nhở thợ cấy, cấy dầy lại hay cấy thưa ra.
Chủ ruộng thường cho thợ cấy ăn xôi với muối mè hoặc tép rang, dưa mắm.. Xôi phải được cho ăn sớm, lối 7 – 8 giờ sáng. Ngoài đồng lạnh lẽo thêm công việc nặng nhọc, mọi người đều mau đói bụng.
Người cấy giỏi, đến 9  -10 giờ là xong 1 công đất. Nhưng họ không bao giờ về sớm. Họ sẽ phụ cấy với những người chậm hơn, để cùng xong công việc. Dĩ nhiên là không có chia chát tiền bạc gì hết. Chỉ là giúp nhau thôi.
Tiền công cấy 1 công đất ngày xưa được tính khoảng 1/3 giạ lúa.

                          Tháng 3/2014

                                Quách Đào

 

2 bình luận

  1. Quách Đào ơi! Chị bái phục, hàng ngày chị thường nhắc nhở con cháu phải quý trọng từng hạt cơm,để có cơm ăn, nhà nông phải cực nhọc, vất vả với bao nhiêu công đoạn..như cày xong, phơi đất, tát nước cho đầy ruộng rồi trục, cấy, chăm sóc lúa…Chị không thể nào nhớ rành rẽ chi tiết như QĐ, xin cho chị hết 3 bài này, chị vô cùng biết ơn.

    1. Chị yêu ơi! Hồi hôm em nằm chiêm bao, gặp ông Thần Nông về rầy rà quá. Ổng nói, mầy viết bài sao mà chị yêu của mầy kể lại trật thứ tự hết trơn. Đáng lẽ phải phơi đất rồi mới cày, cấy. Bơm tát nước xong mới chăm sóc lúa chớ. Tụi mầy bây giờ làm ruộng, tao hết biết luôn. Nói xong, ổng hầm hầm bỏ đi. Không cho em phân trần gì hết. Thiệt khổ! Cám ơn chị yêu nhiều. Còn một bài thứ tư nữa, xin thân tặng chị luôn. Q Đ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Các bài liên quan

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
Ngày 26/3, Lớp Lão niên đã họp mặt lần 6  tại quán Hiếu Nhân, thị trấn Chợ lách. Về dự có 13 CHS, đặc...
Xem tiếp...
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
  Năm nay, Ban Liên Lạc Đồng hương Chợ Lách họp ngày 24/2 tức 14 tháng giêng tại  Trung tâm Hội...
Xem tiếp...
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Năm 1992 khi chiếu bộ phim “Người tình” (L’Amant) của đạo diễn Jean-Jacques Annaud...
Xem tiếp...

Các bài viết mới khác

CHU TAM 2
CHỮ TÂM
Chữ TÂM                             TÂM 心 là Trái Tim, mà trái tim nằm ở trong lòng ngực của cơ thể,...
An-Tam
VIẾNG THIỀN VIỆN TRÚC LÂM
Năm 2014, tôi được Ni Cô Trí Giải mời ra Thiền Viện Trúc Lâm An Tâm tham quan. Ni Cô Trí Giải  là người...
IMG_20240214_111120
TRÀ QUÁN ÔNG ĐỒ- NHIỀU NÉT VĂN HÓA PHƯƠNG ĐÔNG
Sống ở Sài Gòn, thỉnh thoảng nghe nhiều người nhắc đến Trà Quán Ông Đồ, phải chăng đó là nơi bán trà...
h4
NGUYỄN TRỌNG TẠO, NHÀ THƠ ĐA TÀI
Nguyễn Trọng Tạo sinh ngày 25 tháng 8 năm 1947 trong một gia đình Nho học ở làng Trường khê (nay là Diễn...
Muoi Xê
LÃO GIÀ 80 TUỔI ĐI HOP LỚP !
Hôm 26/3, tại cuộc hop lớp của NK60-64, tôi gặp cậu Muời Xê, cậu năm nay 80 tuổi, mấy năm trước cậu không...

LỜI DẪN

Tin nhà

h2
LỚP LÃO NIÊN HOP MẶT LẦN THỨ 6
h0
TÔI ĐI DỰ HOP ĐỒNG HƯƠNG CHỢ LÁCH
h2
NGƯỜI TÌNH SA ĐÉC
Bình luận nhiều trong tuần
  • None found
Tác giả
Thống kê
Số người online: 6
Lượt truy cập: